Nhiều trẻ em mong muốn được giảm tải việc học

Vũ Thơ
Vũ Thơ
21/08/2020 13:56 GMT+7

Thống kê trong 6 tháng đầu năm của Hội đồng Đội T.Ư cho thấy, nhiều trẻ em mong muốn được giảm tải việc học, nhất là học thêm , để các em có thêm thời gian được vui chơi, giải trí .

Sáng 21.8, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức Hội nghị lần thứ 5, khóa 8 với sự chủ trì của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư.

Tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em vẫn phức tạp

Báo cáo về tình hình trẻ em 6 tháng đầu năm 2020, Hội đồng Đội T.Ư cho biết, thông tin từ 53/63 tỉnh, thành phố cho thấy tình trạng đuối nước, tai nạn, thương tích và xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, Hội đồng Đội T.Ư nhận được 289 báo cáo của các tỉnh, thành Đoàn phản ánh về các vụ việc liên quan đến trẻ em, trong đó, có 160 vụ đuối nước, 52 vụ tai nạn thương tích, 77 vụ xâm hại trẻ em.
Theo báo cáo, trẻ em cũng kiến nghị nhiều đề xuất, nguyện vọng liên quan đến học tập, bảo vệ, chăm sóc và vui chơi, giải trí. Về học tập, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thời gian nghỉ học kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập. Vì vậy, các em mong muốn các cấp, ngành tổ chức các khóa học trực tuyến miễn phí học tập tại nhà.
Bên cạnh đó, nhiều em mong muốn được giảm tải việc học, nhất là học thêm để có thời gian được vui chơi, giải trí. Các em cũng đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ học phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế không ổn định, bố mẹ phải đi làm ăn xa, học sinh người dân tộc thiểu số để các em có cơ hội được đến trường.

“Người lớn đừng làm hộ, nói thay”

Phát biểu tại hội nghị, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em, cho rằng qua việc đi thực tế ở một số địa phương, còn tình trạng tiếp nhận tiếng nói trẻ em kiểu hình thức. Một số cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh nhận tiếng nói trẻ em, nhưng gần như không có phản hồi lại.
Theo bà Hồng, trong giám sát quyền trẻ em, cần giám sát các cơ quan nhận ý kiến trẻ em xem tiến độ tiếp nhận, giải quyết nguyện vọng các em ra sao. Bên cạnh đó, hãy để trẻ em tự nói lên tiếng nói, suy nghĩ của mình với các cơ quan chức năng. "Người lớn đừng làm hộ, nói thay", bà Hồng nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam phát biểu tại hội nghị

Ảnh Lưu Trinh

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em trong phòng chống xâm hại, tai nạn, thương tích… Bên cạnh đó, trang bị kiến thức, kỹ năng về công dân số, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo ông Nam, đây là vấn đề rất quan trọng trong thời đại công nghệ, internet lên ngôi. Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em đạt hiệu quả, bên cạnh tiếp tục đẩy mạng học tập làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, cần hỗ trợ các em thực hành quyền trẻ em, quan tâm 5 nhóm bổn phận trong luật Trẻ em.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng, một trong những thay đổi lớn nhất của Bộ GD-ĐT là chú trọng phát triển chất lượng, thay vì số lượng, xây dựng nền giáo dục chất lượng. “Từ câu chuyện của ngành giáo dục, tôi cũng mong rằng, việc tổ chức hoạt động Đội cũng cần đổi mới, hướng đến thực chất”, ông Độ nói.
Theo ông Độ, để làm được việc này, giáo viên cần được quan tâm, bồi dưỡng, trong đó chú trọng tới giáo viên tổng phụ trách Đội có năng lực, phẩm chất, cần có chứng chỉ công tác Đội.
Kết luận hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương đã ghi nhận các ý kiến của các đại biểu và cho rằng hoạt động Hội đồng Đội T.Ư trong thời gian qua được đổi mới về nội dung, hình thức, bám sát sự kiện lớn, triển khai hoạt động tạo thành cao trào. Hội đồng Đội T.Ư có những dấu ấn lan tỏa, thu hút được nhiều lực lượng tham gia.
Theo anh Lương, trong thời gian tới cần phát huy tốt nhất vai trò, vị trí, trình độ của từng thành viên Hội đồng Đội; cần làm mạnh, tốt hơn việc phát huy nhân rộng nhân tố tiêu biểu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.