Những 'nữ chiến binh' kể chuyện bị quấy rối tình dục

24/01/2021 08:08 GMT+7

Có thể ở ngoài cuộc sống, phụ nữ khuyết tật là đối tượng yếu thế, nhưng khi tham gia vào một dự án, họ trở thành những 'nữ chiến binh', có thể tự tin nói ra những nỗi đau và tự bảo vệ bản thân mình.

Khi những nỗi đau được san sẻ

Khi ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, chị B.T.T (35 tuổi, đang làm công việc tự do tại Hà Nội ) bị rối loạn cảm xúc,  đã bị cưỡng bức bởi một người quen. 20 năm trôi qua, tưởng như nỗi đau đó đã chìm trong ký ức, nhưng chỉ một năm trước đây, chị lại bị xâm hại tình dục và gạ gẫm bởi một người chạy xe ôm.

Tôi nhận thấy những kẻ đã làm hại mình thật sự đáng xấu hổ và mình phải cảm thấy tự hào khi đã dám cất tiếng nói, đưa tội lỗi ra ánh sáng và động viên các chị em khuyết tật bị xâm hại như mình

Chị V.T.A (sống tại Hà Nội)

“Phải đến nửa năm tôi không dám đi xe ôm, tôi thà đau chân để đi hết 40 km còn hơn ngồi xe ôm”, chị T. chia sẻ. Nhưng giờ, chị đã có thể bình tâm trút ra sự ám ảnh và nỗi lòng ấy với dự án: “Tôi chỉ mong nếu ai giống tôi có thể tự tin nói ra và bảo vệ chính mình”.
Câu chuyện của V.T.A (sống tại Hà Nội) ai nghe qua cũng nhói lòng, nhưng đó lại là vấn nạn chung của không ít phụ nữ yếu thế hiện nay. T.A kể cô bị khuyết tật về mắt bẩm sinh và đã từng bị xâm hại tình dục bởi người bạn rất thân của bố mình từ khi 5 tuổi. Ông ta thường đến nhà với bánh kẹo và những món đồ chơi cùng cách đối xử mực thước dành cho gia đình T.A. Thế nhưng người đàn ông ấy đã trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ của cô.
“Lần đó, bố mẹ đi vắng nên gửi tôi sang cho ông ta trông hộ. Đến chập tối, khi vợ ông vắng mặt, ông ấy gọi tôi vào trong buồng, bảo trong ấy có nhiều kẹo, bánh lắm. Vừa cầm chiếc kẹo, ông bế thốc tôi lên và đè ra giường, khác hẳn hình ảnh người chú nhẹ nhàng, ấm áp trước kia. Tôi sợ hãi khóc thét lên thì bị cảnh cáo “câm miệng lại”, “cởi quần áo ra”. Vừa quát ông vừa nhét giẻ vào miệng, bắt tôi chịu đựng biết bao sự giày vò. Rồi ông ta cảnh cáo và uy hiếp tôi không được làm lộ chuyện.
Nỗi đau sẽ mãi là vết sẹo cho đến khi tôi bắt đầu tiếp cận các thông tin liên quan đến xâm hại, bạo lực tình dục. Tôi nhận thấy những kẻ đã làm hại mình thật sự đáng xấu hổ và mình phải cảm thấy tự hào khi đã dám cất tiếng nói, đưa tội lỗi ra ánh sáng và động viên các chị em khuyết tật bị xâm hại như mình. Từ đó tôi đủ can đảm để kể với mẹ tôi và giờ đây là kể với các bạn, dẫu vết thương ấy chưa ngủ yên”, T.A chia sẻ về câu chuyện của mình tại dự án.

Các bạn trẻ khuyết tật thể hiện nghị lực sống bằng tiết mục múa

ảnh: NVCC

Phòng chống bạo lực tình dục bằng các loại hình nghệ thuật

Chia sẻ về lý do thành lập dự án, Hoàng An, đại diện nhóm cho biết 40,5% phụ nữ khuyết tật đã phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực tình dục, 85% phụ nữ khuyết tật bị hạn chế hiểu biết về vấn nạn này và họ tuy bị xâm hại nặng nề nhưng chẳng thể bày tỏ. Chính vì thế mà dự án “Nữ chiến binh - XX Heroes” đã ra đời.
 

Nhóm tác giả của dự án (từ trái sang: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khánh Linh, Nguyễn Hoàng An, Nguyễn Ngọc Lan)

Dự án “Nữ chiến binh - XX Heroes” do chị Nguyễn Ngọc Lan, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và tư vấn khoa học quản trị GES; thạc sĩ công tác xã hội Nguyễn Minh Châu; Nguyễn Hoàng An, quản lý truyền thông, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM; Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội cùng thành lập. Mục đích của dự án là trang bị kiến thức, kỹ năng và giúp phụ nữ khuyết tật vượt qua nỗi đau ám ảnh vì bị bạo hành tình dục.

Đến với dự án là những chị em phụ nữ khuyết tật từ 18 - 45 tuổi. Trong đó, có chị bị chồng bạo lực tình dục vì thất nghiệp mùa dịch Covid-19, có em từng bị xâm hại nhưng không dám kêu cứu; và còn có cả những người mẹ, người cô cũng tham gia để bảo vệ người thân. Họ đã cùng nhau tham gia khóa tập huấn kéo dài 3 ngày nhằm trang bị kiến thức nhận biết bạo lực tình dục, luật, quyền của người khuyết tật và các buổi đào tạo về các sáng kiến nghệ thuật.
Đây cũng là nơi để phụ nữ khuyết tật chia sẻ về những sự cố, quá khứ bị xâm hại và cùng nhau học cách vượt qua. Ngoài ra, các chuyên viên của dự án còn cung cấp các kỹ năng phòng vệ thiết thực đến các chị em phụ nữ yếu thế. Và họ còn được học cách truyền tải thông điệp, câu chuyện qua viết truyện ngắn, vũ đạo và thời trang.
Điều đặc biệt, phòng, chống bạo lực tình dục thông qua nghệ thuật và truyền thông là mục đích hoạt động chính mà nhóm dự án muốn hướng đến các chị em phụ nữ khuyết tật. Vì theo Hoàng An, vấn đề của người khuyết tật luôn là điều nhức nhối nhưng lại thiếu sự quan tâm của cộng đồng. Lý do đầu tiên là vì các thông tin liên quan đến người khuyết tật được truyền tải quá khô khan. Mặt khác, chính người khuyết tật cũng không biết cách để chủ động nói lên những vấn đề mình đang gặp phải hay các sáng kiến của mình để vượt qua việc bị bạo hành tình dục.
“Do đó, nhóm đã sử dụng các hình thức nghệ thuật để mọi người hứng thú tiếp cận và dễ đồng cảm hơn với thông điệp, kiến thức và kỹ năng muốn truyền tải. Đồng thời, các hình thức nghệ thuật cũng giúp tiếng nói của người khuyết tật vang xa hơn”, Hoàng An chia sẻ.
Sau khi tham gia chương trình, từ những người nhút nhát, họ đã dám đối diện với nỗi đau, khó khăn mình từng gặp phải. Từ đây, họ chủ động học hỏi kiến thức về quyền của người khuyết tật, nhận biết thế nào là bị xâm hại, bạo lực tình dục và trang bị kỹ năng để bảo vệ chính mình và người khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.