Thông tin về cái chết của nữ ca sĩ Sulli vào ngày 14.10 đã gây xôn xao dư luận. Fan hâm mộ bày tỏ sự thương tiếc và bàng hoàng trước sự ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ của Sulli - cựu thành viên nhóm nhạc nữ f(x). Càng xót xa hơn khi biết thông tin ban đầu được cho là nữ ca sĩ Sulli tự tử sau thời gian dài chống chọi với chứng trầm cảm nặng.
Trầm cảm không chừa một ai
Là một cô gái trẻ vô cùng yêu thích nhạc Hàn nên khi hay tin nữ ca sĩ trẻ Sulli qua đời, Trịnh Thu Nguyệt (cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) chia sẻ thật sự rất tiếc nuối vì nữ ca sĩ Sulli ra đi ở tuổi đời còn quá trẻ: “Tương lai còn dài phía trước, thế nhưng ca sĩ Sulli đành phải giả từ tất cả. Chắc cô ấy đã rất khó khăn nhưng không thể vượt qua được mới đi đến quyết định đau thương này”.
Cũng giống Nguyệt, Nguyễn Thị Hoàng Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) đau xót nhận ra: “Trong cuộc sống này, trầm cảm chẳng chừa một ai. Khi lúc chưa đầy 20 tuổi, ca sĩ Sulli đã có được nhiều thứ mà nhiều người không với tới được, thế nhưng rồi cô ấy cũng không vượt qua được áp lực dư luận. Phải chăng Sulli vào nghề khi còn quá trẻ, chưa đủ bản lĩnh để vượt qua được tất cả. Hay vì miệng đời quá cay nghiệt và chỉ biết hùa nhau để gây áp lực cho người khác”.
Rồi Dung bàng hoàng: “Vậy hạnh phúc thật sự là gì? Khi Sulli có được tất cả nhưng vẫn rơi vào những điều đau thương này. Chúng ta những người trẻ có đang mãi mê với những ước mơ thành đạt ngoài kia mà quên mất rằng phải tự cân bằng mình, tự an yên với chính bản thân mình?”.
Hạnh phúc đích thực nằm ở đâu?
Anh Trần Trinh Tường (người sáng lập và điều hành Simple English) đặt ra nhiều câu hỏi từ câu chuyện của nữ ca sĩ trẻ Sulli: Một ngôi sao nổi tiếng, với độ tuổi còn trẻ, có nhan sắc, tài chính vững vàng, tài năng, trẻ đẹp… dường như cô ấy có tất cả, thế sao cô ấy lại lựa chọn treo cổ tự tử ở cái tuổi xuân xanh tươi sáng 25? Hổng phải cuộc đời này, người ta quy định hạnh phúc bằng sự giàu có, sự nghiệp tốt, nhà lầu, bốn bánh và cả sự nổi tiếng đó sao?
Có phải nhiều người đang tìm kiếm tiền tài danh vọng và cả thế giới đang vận hành như thế, chúng ta mặc định khi đạt được nhiều thành tựu, tiền bạc... là sẽ cực kỳ hạnh phúc đó sao?
|
Theo anh Tường đừng đánh mất sức khỏe, các mối quan hệ và sự bình an của mình để chạy theo tiền tài danh vọng. Suy cho cùng, có tiền cũng để mua cảm xúc, sao không vừa kiếm tiền vừa bình an hạnh phúc vui khỏe? Có danh tiếng là bạn có nhiều người hâm mộ, nhiều sự tôn trọng và tin tưởng từ cộng đồng, hãy dùng nó để gieo trồng kiến thức, niềm vui, tài năng và yêu thương cho mọi người, thì cái danh tiếng ấy sẽ bền vững và không làm cho bạn khổ. Có tài năng, là để phục vụ và cống hiến, qua việc cống hiến vô vị lợi, bạn sẽ càng giỏi và có nhiều niềm vui.
“Và ở đời này, thân người rất quý giá, nếu bạn tự tử hoặc tự làm tổn hại mình, bạn có lỗi với bản thân, đặc biệt là gia đình. Người trẻ trên thế giới này, stress, trầm cảm nhiều lắm. Họ bị gieo quá nhiều thứ trong đầu phải đấu tranh, giàu có, nổi tiếng, quyền lực. Nhưng hạnh phúc đích thực không bao giờ nằm ở những thứ đó. Nó nằm ở trí tuệ bên trong bạn, khi bạn hiểu được những sự thật trong cuộc đời này. Mong em Sulli có thể an nghỉ và bình yên. Em đã không còn phải nghe những lời cay đắng đó nữa rồi. Mong cho bạn và mình có được bình an và hiểu biết để an nhiên, tự tại trong cuộc sống này”, anh Tường gửi gắm.
“Xin đừng ác miệng, không phải ai cũng đủ mạnh mẽ”
Cũng từ câu chuyện về sự ra đi đầy đau thương của nữ ca sĩ Sulli, theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thì sự miệt thị trên mạng xã hội có thể là đùa, nhưng áp lực dẫn đến những cái chết là có thật.
“Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới trầm cảm, nhưng tôi tin, những lời miệt thị đến từ mạng xã hội đã cứa thêm vào đó nhiều nhát dao”, chị Thảo nhấn mạnh.
Từ câu chuyện đau buồn của nữ ca sĩ trẻ Sulli, chị Thảo gửi gắm: “Tôi xin, chính tôi và chúng ta, đừng vì đùa vui mà chỉ trích ai đó, góp ý và miệt thị, giúp đỡ hay dìm chết thực chất ranh giới rất mong manh. Xin đừng mang danh người hâm mộ để thay trời hành đạo với suy nghĩ đã là người của công chúng thì phải chịu cho người khác soi mói hay chửi bới. Bạn nói ra một lời, nhưng vết thương để lại có thể mất một đời để họ quên”
Và chị Thảo cũng nhấn mạnh thêm: “Xin hãy học cách tự bảo vệ tâm hồn của chính mình trước khi không tìm được niềm vui và sự an toàn ở nơi ai khác. Khi có tâm trạng không tốt, tôi sẽ khóa tất cả tài khoản lại, chỉ đơn giản là để mình không đọc không nghe những thông tin tiêu cực và không phải quan tâm đến lời nói của người khác, tập trung cân bằng cảm xúc của chính mình. Và mạng xã hội cũng như mạng nhện, nó có lợi cho người này thì cũng có thể bất lợi hay làm hại tới người khác. Hôm nay bạn là con nhện, ngày mai không cẩn thận bạn sẽ là con mồi”.
Làm gì khi bị trầm cảm?Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo trầm cảm có nhiều mức độ khác nhau nên hy vọng các bạn sẽ có những hiểu biết để có thể nhận biết những dấu hiệu trầm cảm và tìm đến những người, hoạt động giúp cân bằng cảm xúc. Thứ 2 là thiết lập cho mình lối sống lành mạnh, tích cực. Tham gia những hoạt động, tổ chức, đội nhóm lành mạnh. Đọc, xem, nghe những sản phẩm mang tính chất tích cực để giúp chúng ta loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Vì những người mắc chứng trầm cảm từ mức độ nhẹ đến nặng sẽ có những dấu hiệu gia tăng khi tiếp xúc với quá nhiều những quan điểm mang tính chất tiêu cực. Cũng từ câu chuyện của ca sĩ Sulli, chị Thảo khuyên: “Nên nhớ là khi rơi vào trạng thái trầm cảm thì có lúc bạn sẽ không thể kiểm soát được hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của mình, cho nên luôn cần một ai đó bên cạnh bạn để có thể lập tức giúp đỡ. Tiếp theo, bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý để có phác đồ điều trị đúng và hợp lý nhất. Đừng ngần ngại khi sợ người khác biết về chứng bệnh của mình, vì hậu quả của nó sẽ càng trầm trọng hơn”. |
Bình luận (0)