Phần mềm 'trị' các video giả mạo

27/12/2020 07:51 GMT+7

Với phần mềm của nhóm sinh viên tại TP.HCM thì những video giả mạo trên mạng sẽ “hết cửa” hoạt động.

Nhóm tác giả gồm Bùi Trung Hiếu, Nguyễn Hoàng Tuấn và Nguyễn Thế Việt Hoàng, đều là sinh viên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Chia sẻ về lý do này, Bùi Trung Hiếu (đại diện nhóm) cho rằng ý tưởng sáng tạo của nhóm hướng đến mục đích thực tế. Đó là “trị” việc làm giả mạo ảnh, video trên mạng; phát hiện các học sinh, sinh viên lười học, nhờ người khác học hộ và sử dụng công nghệ chỉnh sửa để qua mặt thầy cô. Và một ý tưởng táo bạo hơn nữa là phần mềm sẽ phát hiện giả mạo trên các cuộc hội nghị trực tuyến.
“Trong thực tế, ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, tình trạng tin giả từ các hình ảnh, video giả được tạo ra bởi các công nghệ rất tinh vi. Đối tượng nhắm đến là người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng và thậm chí là chính trị gia. Có thể mục đích là bôi nhọ nhân phẩm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đưa ra những phát ngôn gây sốc mà nạn nhân không hề hay biết. Đó là một trong những lý do mà nhóm mình quyết tâm làm phần mềm này”, Hiếu giãi bày.
Phần mềm của nhóm sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nhóm đã thu thập nguồn dữ liệu lớn gồm 2.000 video có khuôn mặt người, chi tiết và rõ ràng. Trong đó bao gồm 1.600 video có khuôn mặt người đã qua chỉnh sửa và 400 video gốc (không qua chỉnh sửa). Tiến hành xử lý dữ liệu, tách khung hình từ video, gắn nhãn cho các khung hình và cho máy thực hiện việc học các khung hình đã được gắn nhãn.
Phần mềm 'trị' các video giả mạo1

Với phần mềm này, mọi thủ thuật giả mạo video đều bị phát hiện

Nhóm đã sử dụng một thư viện mã nguồn mở có tên là DLIB cho việc dễ dàng nhận diện khuôn mặt một cách chính xác.
Thắc mắc về việc “làm thế nào để có thể phát hiện được khuôn mặt đã qua chỉnh sửa?”, Hiếu giải thích nhóm sử dụng mô hình mạng có tên XceptionNet. Video sẽ được tách thành từng khung hình và tiến hành nhận diện khuôn mặt, phân tích sâu hình ảnh đầu vào... Hệ thống sẽ so sánh và phân tích với toàn bộ dữ liệu có được để đưa ra kết quả chính xác. Nếu khuôn mặt đã qua chỉnh sửa, thì các điểm ảnh bị thay đổi.
“Các bước xử lý sẽ tự động và ẩn. Cuối cùng sẽ là một video hiển thị kết quả hoàn chỉnh, thể hiện cho người dùng biết video đó đã qua chỉnh sửa hay không. Nếu khuôn mặt đó đã qua chỉnh sửa, các khung hình sẽ hiển thị chữ FAKE, nếu không chỉnh sửa sẽ hiện chữ REAL”, Hiếu chia sẻ và cho biết hiện trên thế giới cũng có những phần mềm đã và đang phát triển theo hướng tương tự của nhóm. Tuy nhiên ở Việt Nam, phần mềm này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Trong tương lai, nhóm muốn hướng đến nhiều đối tượng sử dụng như học sinh, sinh viên và giáo viên. Hướng tới những ứng dụng thực tế hơn như phát hiện giả mạo trong các cuộc họp, các buổi học trực tuyến, cũng như phát triển phần mềm đa nền tảng trên điện thoại, website.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.