Đó là cảm xúc thật!
Sau khi chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 khép lại vào ngày 20.9. Cộng đồng mạng đã chỉ trích những cử chỉ, hành động, việc bộc lộ cảm xúc bị cho là "thái quá" của quán quân Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình.
Theo đó, trong chương trình này Thu Hằng đã có những hành động “ăn mừng” như chỉ tay lên trời, dang rộng hai tay những lúc trả lời đúng câu hỏi… Bên cạnh đó, nữ sinh này còn thể hiện cảm xúc vui mừng khi “đối thủ” chọn gói câu hỏi an toàn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là hành động của một người trẻ tự tin và sống thật với cảm xúc của mình.
Đã trải qua những cảm xúc khá giống thí sinh Thu Hằng, Nguyễn Khắc Quốc Huy, 24 tuổi, công tác Đoàn thanh niên Q.10, TP.HCM, cho biết hành động của Thu Hằng làm anh nhớ về những cuộc thi mà anh tham gia. “Khi mình đoạt giải nhất tại một cuộc thi, mình bị đứng hình, sau đó là nhảy dựng lên. Mình thấy thí sinh thể hiện cảm xúc trong cuộc thi là điều bình thường. Và nó cũng thể hiện sự quyết tâm để giành chiến thắng”, Huy bộc bạch.
|
"Hãy cứ tự tin và luôn là chính mình"
Là người theo dõi hết chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên, chuyên viên tham vấn tâm lý Học viên Hành chính Quốc Gia, TP.HCM, cho biết cảm xúc là của mỗi cá nhân, mọi người có quyền bộc lộ niềm vui hay nỗi buồn theo cách riêng của mình miễn không làm hại ai nên những cử chỉ, hành động bộc lộ cảm xúc của thí sinh Thu Hằng là hết sức bình thường, đây còn là “biểu hiện” ở một người tự tin.
Cô Thúy chia sẻ: “Bản thân tôi không nhận thấy một sự kiêu ngạo nào của bạn Hằng ở trong chương trình Olympia. Em Hằng đã bộc lộ cảm xúc rất vô tư và tự nhiên. Đó là cảm xúc của thăng hoa sau những nỗ lực hết sức, điều này bất kỳ ai cũng có nhưng chỉ có người tự tin mới dám bộc lộ hết mình. Hay nói cách khác là Hằng đang sống thật với bản thân... Tôi mong em hãy cứ tự tin và luôn là chính mình dù bất cứ ở đâu. Ai nói gì em hãy mỉm cười và sống chân thành như em là nhé”.
Cùng quan điểm với cô Thúy, chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty phát triển Giá trị sống (TP.HCM), bày tỏ trong những khoảnh khắc thành công, Thu Hằng đã vui mừng một cách tự nhiên. Đó là hạnh phúc của chiến thắng, niềm vui của chinh phục và quan trọng nhất là vượt qua chính mình trong phút giây tỏa sáng. Chúng ta không nên phán xét một cách cảm tính và vội vàng kết luận hành động của người khác là tốt hay xấu khi chưa suy xét trong bối cảnh cụ thể.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi nói: “Mọi cảm xúc chân thật nên được tôn trọng. Nhất là trong giáo dục, phụ huynh hay những người đi trước hãy cho phép các bạn trẻ được sống là chính mình với suy nghĩ chân thật để thế giới xung quanh của họ là lăng kính phản chiếu đúng sắc màu của cuộc sống”.
|
Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh: “Một số bạn trẻ đang đánh mất dần nét hồn nhiên trong sáng. Nguyên nhân phần nhiều do nỗi sợ, sợ bị chê trách, sợ không giống với số đông, sợ bị cha mẹ la rầy, sợ mọi người không yêu thương mình nữa... và khi xuất hiện một phiên bản sống thật với bản thân sẽ dễ dàng gặp phải phản ứng của đám đông. Do đó, cha mẹ cần tạo môi trường cho con nói lên tiếng nói của bản thân và quan trọng nhất là con có thể gọi đúng được cảm xúc của con người thật trong con”.
Kết quả chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2020: Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) đạt giải nhất. Giải nhì thuộc về Vũ Quốc Anh (Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk). Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội) và Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) giành giải ba.
|
Bình luận (0)