'Sống chậm' thời Covid-19: Người trẻ nhận ra nhiều thứ...

30/03/2020 20:26 GMT+7

Những ngày này, nhiều bạn trẻ phải tạm hoãn các dự định, kế hoạch của mình. Thay vào đó, họ đã và đang thay đổi để "sống chậm" hơn với cuộc sống hàng ngày.

Khi các quán ăn, cửa hàng, dịch vụ đều phải tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, khiến nhiều người trẻ phải thay đổi, phải "sống chậm" để thích nghi với việc ở nhà tránh dịch lâu dài

Sài Gòn sống chậm nhìn từ những công viên vắng hoe vì virus corona

Cuộc sống bỗng chậm lại

Nguyễn Vũ Bảo Duy, ngụ ở phường Phước Long B (Q.9, TP.HCM), cho biết phải thay đổi lịch sinh hoạt thường nhật của mình. Duy hạn chế ra quán cà phê làm việc, tạm nghỉ đến phòng tập.

Mùa dịch này lấy đi nhiều thứ, nhưng cũng chính trong mùa dịch này, Duy và gia đình đã cẩn trọng hơn trong việc sinh hoạt, đi lại cũng như lao động. Việc đeo khẩu trang cũng như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng được ghi nhớ tốt hơn. Thường ngày khi chưa có dịch, việc đảm bảo vệ sinh như hiện nay đôi khi chưa được thực hiện tốt.

Cảnh tượng “vắng chưa từng thấy” trên một con đường ở Q.Thủ Đức,TP.HCM.

Thế Nguyên

Chị Vũ Thị Yến Nhi, phóng viên tại một tờ báo, chia sẻ thẳng thắn rằng Nhi từng cảm thấy mình khá chủ quan vào giai đoạn đầu mùa dịch. Cho đến ngày 24.3, UBND TP.HCM yêu cầu đóng cửa các hàng quán, Nhi mới bắt đầu nhận thấy dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của bản thân. Nhi phải bảo lưu lại thẻ tập gym vì phòng tập đóng cửa. Khi đi làm, Nhi cũng phải mang cơm theo vì phải hạn chế ăn ở bên ngoài và hạn chế hẹn bạn bè ăn uống cùng.

“Từ khi có dịch, mình truy cập Facebook thì lúc nào cũng đọc thấy tin về dịch Covid-19. Bản thân mình cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi, giống như là tất cả mọi thứ xung quanh mình đều nói về đại dịch hết. Điều đó ảnh hưởng đến tinh thần của mình rất nhiều”, Yến Nhi thổ lộ.

Yến Nhi còn chia sẻ thêm, dịch ảnh hưởng khá nhiều đến thu nhập của quán cà phê nhỏ của gia đình Nhi. Bình thường lượng khách ổn định, bán được hơn 20 ly nước/ngày. Nhưng từ ngày có dịch thì chỉ bán được khoảng 5 - 7 ly, nhiều lắm là 10 ly/ngày. Thậm chí, chị gái của Nhi làm nghề sales cũng đang có nguy cơ bị mất việc, vì mùa dịch mọi người đang sống theo lối sống không sử dụng nhiều tiền.

Huỳnh Thị Ngọc Vy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết dịch bệnh Covid-19 khiến cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của Vy bị xáo trộn. Bình thường Vy đi học, nhưng dịch bệnh nên nghỉ ở nhà tránh dịch và phụ giúp ba mẹ. Lúc trước, Vy thường dành thời gian để tham gia những hoạt động được tổ chức trong và ngoài trường, thường đi dạo chơi loanh quanh thành phố. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, Vy và gia đình đã hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết.

Kỳ nghỉ kéo dài dẫn đến nhiều kế hoạch của Vy bị hoãn lại. Vy tiếc những chương trình gây quỹ tình nguyện, hoạt động tập thể mình yêu thích như: Color Me Run, giờ trái đất, Tình nguyện đỏ và Mùa hè xanh của mình đều bị hoãn lại hoặc chuyển sang hình thức hoạt động online.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ít người đi bộ vì virus corona

Nhờ nghỉ dịch, được đón sinh nhật cùng gia đình

Tuy nhiên, nhờ vào việc "sống chậm" trong mùa dịch, nhiều người trẻ đã nhận ra nhiều thứ, tìm được nhiều điều ý nghĩa. Nếu so với cuộc sống hối hả bình thường thì sẽ khó cảm nhận được sâu sắc.

Nguyễn Vũ Bảo Duy chia sẻ: "Điều dễ nhận thấy trong mùa dịch này là sự sẻ chia, đồng cảm và đồng lòng của xã hội".

Lau chùi nhà cửa phòng dịch Covid - 19.

Anh Quỳnh

Mùa dịch cũng là một cơ hội để người trẻ có thể hạn chế chi tiêu cho những nhu cầu không cần thiết. Yến Nhi tiết lộ: “Ban đầu, mình ít khi tiết kiệm tiền. Nhưng từ khi có dịch, thu nhập của gia đình giảm, thì mình phải tiết kiệm tiền hơn, siết chặt chi tiêu hơn. Lúc trước mình chi tiêu thoải mái vì mình vẫn có khả năng kiếm tiền dễ dàng. Nhưng tình hình phức tạp, không biết bao giờ mới hết dịch, nên mình phải tiết kiệm, hạn chế tối đa chi phí đi chơi với bạn bè, hay mua mỹ phẩm, quần áo. Còn việc làm đẹp như làm móng, làm tóc mình đều tự làm ở nhà”.

Yến Nhi cũng nói rằng sau khi hết dịch thì vẫn tiếp tục kế hoạch giảm cân, nhưng sẽ thay đổi theo hướng duy trì sức khỏe thay vì chỉ để đẹp như trước. Đồng thời trong năm nay Yến Nhi cũng sẽ suy nghĩ lại về dự định đi du lịch nước ngoài do lo lắng về dịch bệnh. Có thể Nhi cũng sẽ dùng số tiền du lịch đó để học thêm, phát triển bản thân để kiếm nhiều tiền hơn cho những lúc khó khăn.

7 bệnh nhân Covid-19 xuất viện xúc động tri ân bác sĩ ở TP.HCM

Huỳnh Thị Ngọc Vy thì thổ lộ: “Thật sự thì mình không làm gì nhiều trong những ngày nghỉ tránh dịch. Mình không phải cuống lên, mà có thời gian dành cho bản thân và gia đình nhiều hơn. Điều đặc biệt khiến mình không khỏi xúc động khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong kỳ nghỉ kéo dài là được đón tuổi 21 cùng gia đình. Trước đây, ngày sinh nhật của mình hầu như đều rơi vào mùa thi, nên lo ôn chuẩn bị cho thi cử không đón được ngày sinh nhật trọn vẹn cùng gia đình”.

Vy tâm sự nhờ "sống chậm", những ngày ở nhà Vy được ăn cơm ba mẹ nấu, không phải đi lang thang tìm quán để ăn như trước đây. Và cũng không phải lo lắng, suy nghĩ nhiều, đầu óc khá thư thái, dễ chịu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.