Tại sao có tới 70% vụ ly hôn do phụ nữ đệ đơn?

Vũ Thơ
Vũ Thơ
29/09/2020 19:27 GMT+7

Trung bình mỗi năm có khoảng 600.000 vụ ly hôn, trong đó 70% vụ do phụ nữ đệ đơn. Nguyên nhân chính dẫn tới ly hôn do cặp bồ, ngoại tình và bạo lực gia đình .

Chiều 29.9, T.Ư Đoàn tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề “Thực trạng hôn nhân ở Việt Nam và thế giới: Nguyên nhân tỷ lệ ly hôn ở gia đình trẻ tăng cao?”.
Đây là chương trình nhằm tuyên truyền về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, thẩm phán Toà án nhân dân TP.Hà Nội; thạc sĩ Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); và tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên, Trưởng khoa triết học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Chương trình được Livestream trực tiếp trên Fanpage Cổng thông tin T.Ư Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Cổng tri thức Thánh Gióng, Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn.

Các chuyên gia tham dự chương trình giao lưu

Ảnh Đăng Hải

70 % vụ ly hôn do phụ nữ đệ đơn

Chia sẻ về tình trạng ly hôn đang diễn ra ngày một nhiều, chủ yếu ở thành thị, thạc sĩ Lê Thị Lan Phương cho biết, trong khảo sát hộ gia đình của năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy: tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng lên từ 1,4% lên 2,1%).
Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.
Bà Lan Phương cũng cho biết, nguyên nhân ly hôn, theo đánh giá và thông qua các cuộc điện thoại tư vấn, thì cặp bồ, ngoại tình là nguyên nhân hàng đầu; nguyên nhân thứ hai là do bạo lực gia đình; và có một số mâu thuẫn khác như mẹ chồng nàng dâu.
“Năm 2019, UN Women có nghiên cứu toàn cầu về vấn đề gia đình. Ngày nay, người phụ nữ đã có nhiều sự thay đổi như tự chủ về kinh tế, bình đẳng giới, được tham gia vào các công việc nhiều hơn… Trong khi đó, vấn đề chia sẻ công việc nhà thì không có sự thay đổi, chính vì vậy người phụ nữ sẽ có sự lựa chọn nhiều hơn”, bà Lan Phương lý giải.
Theo bà Lan Phương, gia đình bao gồm cả sự yêu thương, đoàn kết và chứa đựng những mâu thuẫn. Đỉnh cao của sự mâu thuẫn là bạo lực gia đình. Ở Việt Nam, có 63% phụ nữ kết hôn đã trải qua vấn đề bạo lực gia đình.
Lý giải thực trạng: nếu như cuộc hôn nhân mà bước qua được 5 năm đầu tiên thì khả năng bền vững sẽ nhiều hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết trên thực thế, có nhiều bạn trẻ vì tìm hiểu nhau chưa kỹ, chưa chuẩn bị hành trang cho cuộc hôn nhân. Nên các vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Duy Nhiên và bà Lê Thị Huyền trả lời câu hỏi của khán giả trong buổi giao lưu

Ảnh Đăng Hải

Cũng theo bà Huyền, riêng tại Hà Nội trong năm 2018 có hơn 16.000 vụ án (30 quận, huyện), đến năm 2019 tăng thêm 1.000 vụ ly hôn nữa. Chính vì vậy, các bạn trẻ vượt qua được giai đoạn đầu của cuộc sống gia đình thì sẽ bền vững hơn.
Bà Huyền khuyên trước khi quyết định đi đến hôn nhân gia đình, cần chuẩn bị đủ hành trang cho cuộc hôn nhân như tìm hiểu kỹ về bạn đời, chuẩn bị về kinh tế, cuộc sống gia đình…

Dễ cưới, dễ bỏ

Chia sẻ tại buổi giao lưu, TS Nguyễn Duy Nhiên cho rằng, thực trang ly hôn ở Việt Nam hiện nay đang gia tăng và đáng báo động. Có rất nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, trong đó có việc giới trẻ chưa định vị một cách chính xác về hôn nhân.
“Có thể các bạn trẻ đang đơn giản hóa việc hôn nhân, đơn giản hóa trong việc kết hôn sẽ dẫn đến đơn giản trong việc ly hôn. Các bạn trẻ ngày nay gặp nhau trong một buổi đi chơi, cảm mến nhau… nhận định đó là định mệnh của đời mình sẽ đi đến quyết định kết hôn rất nhanh”, ông Nhiên ví dụ.
Các chuyên gia cũng cho biết quan niệm dễ cưới, dễ bỏ khiến tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao. Đối với nhiều cặp đôi trẻ, việc ly hôn nhanh cũng khá phổ biến. Theo chị Lan Phương, gánh nặng, sự tổn thương do ly hôn mang lại cho phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Có người ám ảnh, cay đắng cả đời, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Ngoài những tổn thương, mất niềm tin, bị xúc phạm, khó khăn khi phải bươn chải nuôi con, phụ nữ còn phải vượt qua rất nhiều định kiến của xã hội đối với một người đàn bà ly hôn.
Theo các chuyên gia, không ít người cho rằng, phụ nữ “không ra gì” thì chồng mới ruồng rẫy. Những người không có điều kiện nuôi con, phải nuốt nước mắt để con ở lại cho chồng nuôi còn bị mang tiếng bỏ con, bị lên án, đánh giá về nhân cách. Đây cũng là rào cản khiến phụ nữ thiếu tự tin, sống lệ thuộc, không biết yêu thương bản thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.