TP.HCM có ca nhiễm Covid-19 mới: Người trẻ kinh doanh 'homestay' thêm lo lắng

Tấn Đạt
Tấn Đạt
19/05/2021 09:08 GMT+7

Sau khi TP.HCM có ca nhiễm Covid-19 mới, nhiều người trẻ kinh doanh , làm việc trong lĩnh vực 'homestay' rơi vào tình trạng lo lắng vì không biết cơ sở của mình sẽ bị đóng cửa khi nào.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 18.5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay đã phát hiện 1 ca nhiễm Covid-19 mới, 1 ca nghi nhiễm chưa rõ nguồn lây.

Sáng 19.5: Thêm 31 ca mắc Covid-19 tại TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn

"Đầu tư" vào các mảng khác để duy trì hoạt động

Sau khi có thông tin TP.HCM xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới, chị Lê Trần Vân, 35 tuổi, chủ “homestay” (loại hình du lịch mà khách sẽ nghỉ tại nhà người dân địa phương) số 54/2 Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM đã lo lắng khá nhiều vì không biết cơ sở lưu trú của mình có tiếp tục bị đóng cửa hay không?

“Tháng 4 năm ngoái cũng từng đóng cửa rồi nên cũng không quá căng thẳng nếu có chỉ thị mới của nhà nước. Nhưng thật sự khá lo lắng cho “homestay”, vì tình hình dịch bệnh này kéo dài mình sẽ tiếp tục “âm tiền” do trả chi phí mặt bằng”, chị Vân nói .

Chị Vân đã "cạn kiệt" tiền trả mặt bằng vì lượng khách giảm còn dưới 30% trong 1 năm trở lại đây

Ảnh: Tấn Đạt

Ngoài tiền mặt bằng, hơn 1 năm nay chị Vân thường xuyên lấy tiền “riêng” để trả tiền điện, tiền nhân viên vì nguồn vào không đủ để sinh lãi.  

“Homestay” của chị Vân có hơn 4 phòng nhỏ, lớn. Trước khi có dịch Covid-19, thường có đến hơn 90% khách nước ngoài đến ở và tỷ lệ đầy phòng 90% . Còn sau khi có dịch, chỉ lác đác vài khách là những anh, chị đi công tác ở 2-3 ngày, lâu lắm mới có các bạn trẻ đến TP.HCM du lịch ghé qua trú ngụ. Hiện tại tỷ lệ đầy phòng dưới 30%.

Do đó, hơn nhiều tháng nay, chị Vân đã phải “đầu tư” ở mảng bán các loại nước uống thu hút người trẻ để có nguồn thu vào bù đắp cho việc trả tiền mặt bằng và các khoản chi khác. Tuy nhiên, chưa lấy lại được “đà” chị Vân phải đối mặt với tình trạng xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 mới.

Phải đẩy mạnh nguồn thu vào bằng việc bán thức uống

Ảnh: Tấn Đạt

“Bây giờ giờ phải cố gắng lạc quan, duy trì “homestay” bằng việc thu hút các bạn trẻ đến đọc sách, uống cà phê. Nếu chính quyền đóng các cơ sở lưu trú đồng nghĩa với việc không còn nguồn thu nhỏ nhoi từ nguồn này nữa. Đến lúc đó không cầm cự nổi thì mình có thể nhờ người thân hỗ trợ về tài chính để duy trì. Mình tin rằng, dịch sẽ qua, đời sống trở lại bình thường”, chị Vân tâm sự.

Chung cư Sunview Town ở TP.HCM xôn xao vì ca dương tính Covid-19: "Dịch bệnh tới nhanh quá"

Giống như chị Vân, anh N.T.Trung, 32 tuổi, hiện đang kinh doanh một “homestay” nhỏ ở Q.7, TP.HCM cũng “đứng ngồi không yên” vì sợ cơ sở của mình tiếp tục bị đóng cửa khi nghe tin TP.HCM có ca nhiễm Covid-19.Theo anh Trung, nhiều tháng nay anh đã cố gắng cầm cự tiền mặt bằng nhờ có nhiều “mối” quen ghé đến khi đi công tác hoặc du lịch ngắn ngày tại TP.HCM. Nếu đóng cửa các cơ sở kinh doanh lưu trú thì anh Trung phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. 

Nhiều phòng "homestay"  chờ đợi khách du lịch

Ảnh: Tấn Đạt

“Nỗi lo nhất là sẽ rất khó thương lượng tiếp với chủ đất, vì họ cũng đã giảm nhiều tháng qua rồi. Nếu không có doanh thu mà mỗi tháng phải chi trả các chi phí cố định trong khoảng thời gian dài nữa thì khả năng duy trì của mình sẽ rất khó, ngân sách đã cạn kiệt. Việc kiếm khách trở lại cũng phải mất một khoảng thời gian. Ngoài ra, đóng cửa thì đồng nghĩa sẽ không có việc cho các nhân viên làm buộc họ phải kiếm công việc khác hoặc về quê... Và khi dịch ổn định lại thì phải tìm nhân viên mới, đào tạo lại nếu họ không quay lại”, anh Trung than thở.

Không nhận lương nhiều tháng liền

Sau khi cơ sở lưu trú được “giải thoát” dịp hết cách ly xã hội đầu tháng 6.2020, Lữ Duy Tường, 24 tuổi, đang làm quản lý “homestay” Domino ở Q.7, TP.HCM cũng trút bớt gánh nặng vì tin rằng mình sẽ tiếp tục gắn bó ở nơi làm việc này dài hơn nữa. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện hàng chục ca nhiễm Covid-19 mới ở nhiều  tỉnh thành Việt Nam, trong đó có TP.HCM vào  ngày 18.5,  Duy Tường lại tiếp tục lo lắng chủ sẽ phải đóng cửa “homestay”, trả mặt bằng và bản thân phải cật lực đi tìm nhà ở, công việc mới trong bối cảnh vô cùng khó khăn như hiện nay.

Duy Tường đã làm việc không lương gần 1 năm nay với ở vị trí quản lý "homestay"

Ảnh: Tấn Đạt

Duy Tường cho hay: “Trước đó người chủ của mình từng có ý định đóng cửa “homestay” vì lượng khách lưu trú đã bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhưng vì nơi đây bản thân đã gắn bó hơn 2 năm nên mình có nói với chủ là sẽ không nhận lương và thay đổi “chiến lược” kinh doanh bằng cách cho khách thuê theo hình thức ở tháng, như thế sẽ có nguồn để trả tiền mặt bằng. Tuy nhiên, việc không còn khách nước ngoài lưu trú, thay vào đó 100% khách ở là người Việt thì lợi nhuận ròng rất thấp, chỉ đủ trang trải các chi phí hàng tháng”.

Nhiều chủ "homestay" không trụ được nếu dịch Covid-19 tiếp tục lây lan

Ảnh: Tấn Đạt

Duy Tường còn chia sẻ: “Hiện tại công việc ở “homestay” đã giảm khá nhiều. Mặc dù có một chỗ ở không tốn phí nhưng mình phải làm thêm nhiều công việc khác để có tiền trang trải cuộc sống khi đã không nhận lương từ lâu ở vị trí quản lý “homestay”. Đây cũng là cơ hội và thách thức với mình. Tiếp tục tăng ca nhiễm Covid-19, nếu không may chủ không trụ nổi thì mình phải khó khăn trong việc tìm nơi ở mới và có thể sẽ thay đổi luôn việc làm thêm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.