Xúc động buổi giao lưu trực tuyến Hành trình thanh xuân

Vũ Thơ
Vũ Thơ
06/06/2021 07:40 GMT+7

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021), Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến Hành trình thanh xuân với sự chia sẻ xúc động của các chuyên gia và bạn trẻ về công lao của Bác.

Chương trình giao lưu trực tuyến Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021) được truyền hình trực tuyến trên các trang cộng đồng: Cổng thông tin T.Ư Đoàn, Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, Thành đoàn TP.HCM và chia sẻ trên các trang mạng xã hội của các cấp bộ Đoàn.

Hành trình độc đáo

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn viên, thanh niên đã được lắng nghe những chia sẻ của các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.
GS-TS Hoàng Chí Bảo (nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng hành trình tìm đường cứu nước của Bác rất độc đáo vì có thời gian rất dài, 30 năm; Bác làm đủ mọi nghề để sống, hoạt động, tự học tập, tự tranh đấu, tìm mọi học thuyết để cuối cùng quyết định đi đến chủ nghĩa Mác - Lê Nin và cách mạng; có mặt ở các nước xa lạ khác nhau, các châu lục, các địa dương. “Cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Bác báo hiệu một sự thay đổi cho xã hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam và cuộc sống của con người Việt Nam... để sau này gọi là thời đại Hồ Chí Minh”, ông Bảo khẳng định.
Sự kiện Bác về nước mùa xuân năm 1941 được các đại biểu cho rằng đó là mở đầu cho mùa xuân huy hoàng của dân tộc; báo hiệu sự mở đầu cho một thời đại mới ở Việt Nam. Đặc biệt, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và bản Hiến pháp năm 1946... đã khẳng định chân lý mà Bác theo đuổi cho dân tộc Việt Nam, đó là: không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng chia sẻ và khẳng định cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Bác là tấm gương cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước. Theo ông Bảo, Bác ra đi tìm đường cứu nước là để thực hiện khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự do hạnh phúc; thức tỉnh tuổi trẻ về sự đường hướng lý tưởng, cuộc sống.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM, cũng cho rằng Bác luôn đề cao vai trò của thanh niên, quan tâm bồi dưỡng thanh niên. Theo ông Trực, lý tưởng của thanh niên ngày nay là đi theo đường lối của Đảng, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Hiện thế hệ trẻ hoàn toàn có năng lực, phẩm chất, bản lĩnh đi vào cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt, phải xây dựng phương thức sản xuất, lối sống xanh: thân thiện môi trường, công bằng xã hội, phát triển kinh tế bền vững”, ông Trực nhắn nhủ.
Tại chương trình giao lưu, các nhân chứng lịch sử như đại tá, nhạc sĩ, tiến sĩ Doãn Nho; đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng cũng chia sẻ những kỷ niệm khi được gặp Bác với những lời căn dặn rất có ý nghĩa cho thế hệ trẻ.
Xúc động buổi giao lưu trực tuyến Hành trình thanh xuân1

Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh bày tỏ về việc học tập Bác

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Học Bác về tinh thần dám nghĩ, dám làm

Tại chương trình, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu y sinh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2020, cho biết chị đã học được rất nhiều bài học quý giá từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.
“Trong suốt những năm học tập và công tác tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tôi đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tôi đã cùng giảng viên trẻ, sinh viên tham gia xung kích vào các đội hình lấy mẫu giám sát cộng đồng. Bên cạnh đó, còn vận động gia đình thực hiện hơn 7.000 tấm chắn giọt bắn gửi đến ủng hộ các khu vực có ổ dịch Covid-19”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Sinh viên Trần Trang Linh, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, cho biết đã học tập được nhiều đức tính của Bác Hồ, như: giản dị, cần cù, siêng năng. Đặc biệt, đức tính truyền cảm hứng lớn nhất cho Linh là khát vọng hòa bình và tình yêu lớn lao với Tổ quốc. “Trong thời điểm hiện tại, với mỗi thanh niên chúng ta, cần cố gắng trau dồi, nỗ lực học tập rèn luyện. Sau đó, dùng những kiến thức, hành trang của mình để mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng”, Linh nói.
Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2020), chủ nhân sáng tạo ra cây ATM gạo, cũng chia sẻ đã học được Bác về tinh thần yêu nước. “Nhờ tinh thần yêu nước, tôi cố gắng đoàn kết mọi người làm máy ATM gạo giúp đỡ người khó khăn. Từ đó, lan tỏa ATM gạo khắp tỉnh, thành trên cả nước”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Chương trình giao lưu đã lồng những bài hát, bài thơ xúc động về Bác và những bài ca về Đoàn thanh niên... làm lay động trái tim người trẻ.
Sáng 5.6, Ban Bí thư T.Ư Đoàn do anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, làm trưởng đoàn, đã vào Lăng viếng Bác; dâng hương tưởng niệm Người tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh Tuấn cho biết do dịch Covid-19, T.Ư Đoàn không tổ chức được các sự kiện trực tiếp để kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong dịp này, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chi đoàn, chi hội tìm hiểu về sự kiện; xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền trực quan và trên mạng xã hội; tổ chức phát động các phong trào thi đua, các chương trình hành động cách mạng, tạo không khí thi đua, rèn luyện để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.