PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Đặng Anh Đào về cõi ‘Nhớ và quên’

13/01/2023 06:52 GMT+7

PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Đặng Anh Đào từ trần hồi 9h49’ ngày 12.01.2023 (tức ngày 21 tháng Chạp năm Nhâm Dần), hưởng thọ 89 tuổi.

Người thầy - nhà khoa học xuất sắc

PGS.TS, NGƯT, nhà văn - dịch giả Đặng Anh Đào sinh năm 1934 trong một gia đình khoa bảng đời nối đời của dòng họ Đặng làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cha bà là GS Đặng Thai Mai, một bậc sư biểu trong nền giáo dục Việt Nam thế kỷ 20.

PGS.TS, NGƯT Đặng Anh Đào (1934 - 2023)

Tư liệu gia đình

Bà vẫn thường tự so sánh một cách hài hước là so với 3 chị gái (PGS Đặng Bích Hà - chuyên gia Sử học Đông Nam Á, PGS Đặng Thị Hạnh - chuyên gia Văn học phương Tây và GS Đặng Thanh Lê - chuyên gia Văn học Việt Nam trung đại) thì bà thuộc "thế hệ những người thất học" (Hồi ký Tầm xuân). 12 tuổi bà theo cha mẹ tản cư kháng chiến. Chiến tranh khiến việc học của bà bị đứt quãng. Bà phải "nhảy cóc" liên tục từ Nghệ An ra Thanh Hóa. Nhưng bà có hạnh phúc là con gái của một bậc thức giả vào hàng “tứ kiệt” xứ Nghệ nên chỉ nhặt chữ rơi vãi trên giá sách của cha cũng đủ trưởng thành. Tất nhiên, để trở thành một nhà khoa học tài danh bà cũng phải nỗ lực tự học hết mình.

Năm 1954 bà Đặng Anh Đào vào học khóa đầu tiên của khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội. Tốt nghiệp, bà đi dạy phổ thông, sau đó về bộ môn Văn học nước ngoài khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội công tác mấy chục năm liên tục cho đến khi nghỉ hưu. Học trò của bà nhiều người trưởng thành, là những nhà khoa học, nhà quản lý khoa học khắp ba miền đất nước. Một trong số đó có thể kể tên người học trò trực tiếp thụ giáo là GS Lê Huy Bắc - Trưởng khoa Việt Nam học (Trường ĐHSP Hà Nội)…

Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức yếu, PGS.TS vẫn say mê làm việc. Thị lực suy giảm, đi lại khó khăn, bà nhận dạy cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh tại nhà riêng trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội).

Bà cũng nhận dịch sang tiếng Pháp cho Hội Nhà văn Việt Nam. Cuốn sách cuối cùng bà chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt là bút ký Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng (tác giả Hilda Arnhold - một cô gái người Pháp) - dịch chung với Hoàng Thanh Thủy (NXB Kim Đồng, 10.2022).

Vợ chồng Trung tướng. GS Phạm Hồng Sơn - PGS.TS, NGƯT Đặng Anh Đào

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Ngoài vị thế một giảng viên đại học với những công trình nghiên cứu (Truyện ngắn phương Tây, Balzac và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong Tấn trò đời), dịch giả (Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX) nhà phê bình văn học Đặng Anh Đào còn xuất hiện với những bài viết sắc sảo và tinh tế, bàn luận những vấn đề, hiện tượng văn học nóng bỏng: tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (chùm truyện ngắn Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết; tập truyện ngắn Tướng về hưu), hay nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận… Những bài phê bình văn học của bà in thành sách Tài năng và người thưởng thức được học giới trân trọng.

Dư cảm đẹp đẽ qua những trang hồi ký

Khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, bà Đặng Anh Đào bắt đầu viết và công bố hồi ký. Trong số các chị em là nội tướng của các chính khách - danh tướng quân đội (bà Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Đặng Thị Hạnh - phu nhân Trung tướng Phạm Hồng Cư), bà Đặng Anh Đào là người đầu tiên công bố hồi ký với tên gọi Hồi ức Tầm xuân xuất bản năm 2005. Mười năm sau, hồi ký được tái bản, bổ sung thành Tầm xuân và những ký ức muộn. Từ cuốn hồi ký đầu tiên mang đến nhiều dư cảm đẹp đẽ cho người đọc, bà viết tiếp Hoài niệm và mộng du xuất bản năm 2018.

Tuổi tròn đôi mươi, bà kết hôn với Trung tướng - GS Phạm Hồng Sơn (1923 - 2013), một danh tướng trí thức. Ông trực tiếp cầm quân, trưởng thành từ trung đoàn trưởng trong kháng chiến chống Pháp đến Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng mặt trận tại Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Bà giúp ông hoàn thiện hồi ký Nhớ và quên xuất bản năm 2011, để bổ sung vào “vành trăng khuyết” trong lịch sử quân sự...

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Đặng Anh Đào viết truyện ngắn với bút pháp dí dỏm, trào phúng. Bạn đọc nhớ nhiều tới truyện ngắn Làng nổi in trên báo Văn Nghệ năm 1994. Bà có ý định sẽ xuất bản một tập truyện ngắn của mình.

Bà Đặng Anh Đào thích đi ra biển, nhất là biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) luôn trở về trong hồi ức muộn của bà. Giờ đây, theo quy luật của đất trời, bà đã vĩnh biệt cõi tạm để về cõi vĩnh hằng, để lại bao nỗi tiếc thương cho người ở lại, dẫu biết rằng bà đã ở tuổi đại thọ. Chắc rằng ở cõi cao xanh, bà lại ra biển: “Ta sẽ được là cát ngoài biển khơi, trong hằng hà sa số hạt cát long lanh, dưới những rạn san hô đỏ như phản chiếu ánh bình minh…” bà viết trong hồi ký Hoài niệm và mộng du.

Lễ viếng PGS.TS, NGƯT Đặng Anh Đào từ 7h15’ ngày Chủ nhật, 15.1.2023, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông), Hà Nội. Lễ truy điệu lúc 8h30’, di quan vào hồi 8h45’, an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì - Hà Nội).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.