Tăng trách nhiệm giải trình của nền công vụ

05/04/2024 06:42 GMT+7

Ngày 4.4, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý về đề án Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030.

Xóa bỏ cơ chế xin - cho

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, phân tích nền công vụ có 3 cấu phần gồm thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực thi. Cốt lõi của nền công vụ là nhà nước kiến tạo nền công vụ phục vụ, dùng chính quyền điện tử để vận hành, gắn nền công vụ với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. TS Lịch cho rằng nền công vụ hiệu quả cần hạn chế tối thiểu cơ chế xin - cho, thay vào đó là phân cấp rõ ràng, xác định trách nhiệm giải trình từng cấp.

Tăng trách nhiệm giải trình của nền công vụ- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi tại hội thảo

Sỹ Đông

Đồng quan điểm, GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), nêu 3 vấn đề cốt lõi để xây dựng nền công vụ hiệu quả là thu nhập, giải trình, pháp lý. Đối chiếu vào nền hành chính ở TP.HCM, chuyên gia này nhận định tính giải trình trong bộ máy, của từng đơn vị và từng cán bộ đang còn hạn chế. Khi giao cho chuyên viên làm công việc gì phải có đánh giá từng việc, tổng hợp từng tháng, từng quý, để tạo trách nhiệm giải trình cũng như đánh giá được KPI của mỗi người. GS nêu 3 "từ khóa" của nền công vụ là cán bộ muốn làm, làm được và được làm.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), nói điều mà các doanh nghiệp mong nhất là sự ổn định của chính sách vì liên quan đến chiến lược kinh doanh.

Giải quyết câu chuyện về thu nhập

Về tổ chức bộ máy, TS Trần Du Lịch cho rằng xây dựng nền công vụ phải gắn với mô hình chính quyền đô thị, tăng tính tự chủ cho các thành phố trực thuộc TP.HCM. Theo đó, cơ quan nhà nước tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo tập thể nhưng tăng thẩm quyền của chủ tịch UBND tiếp cận với thẩm quyền thị trưởng. Như vậy, các sở, ngành sẽ trở thành cơ quan quản lý nhà nước chứ không chỉ tham mưu, giúp việc.

Đối với biên chế, ông Lịch cho rằng không nên cào bằng về tổ chức, biên chế giống nhau giữa các địa phương. Công chức cần được bố trí theo năng lực, theo từng yêu cầu vị trí việc làm chứ không phải theo ngạch bậc, "sống lâu lên lão làng".

Bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Q.5, đề xuất trong quá trình thực hiện đề án, TP.HCM sẽ được chủ động về lương và biên chế để đảm đương khối lượng công việc đang tăng lên. Đến khi hoàn thiện thì mới bắt đầu tinh giản và thực hiện với mức độ mạnh hơn.

PGS-TS Võ Trí Hảo (Trung tâm Trọng tài quốc tế VN - VIAC) cho rằng để nâng chất lượng nền công vụ TP.HCM, trước hết phải giải quyết câu chuyện về thu nhập. Ông Hảo đề xuất phương án giao biên chế cho TP.HCM theo 3 chỉ số: số lượng công chức tối đa, số lượng ngân sách trả lương và hiệu quả công việc. Muốn tăng thu nhập, TP.HCM sẽ chủ động sắp xếp, bố trí cán bộ, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả công việc, phần chi phí còn lại sẽ được hưởng như thu nhập tăng thêm.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị ban soạn thảo, tổ giúp việc tiếp thu, lựa chọn ý kiến hay, phù hợp đưa vào đề án, khẩn trương hoàn thiện trong tháng 4.2024. Trong tháng 5.2024, đề án sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thông qua, sau đó báo cáo các cơ quan T.Ư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.