Biển Đông trên bàn hội nghị quốc phòng ASEAN

Văn Khoa
Văn Khoa
17/11/2019 07:16 GMT+7

Một số nhà quan sát nhận định vấn đề Biển Đông sẽ trở thành chủ đề chính của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng diễn ra tại Bangkok.

Sáng 16.11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Hẹp (ADMM Hẹp) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan từ ngày 16 - 19.11, theo TTXViệt Nam. Sau khi ADMM+ lần thứ 6 kết thúc, Việt Nam sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ Thái Lan.

Bắc Kinh “hứa suông” về vấn đề Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Trung Quốc liên tục không làm đúng cam kết và không tuân theo thông lệ quốc tế trong nhiều vấn đề, bao gồm việc quân sự hóa Biển Đông. “Những gì chúng ta đang phải đối mặt là thách thức từ Trung Quốc, tức họ nói một đường làm một nẻo”, theo tờ SCMP ngày 16.11 dẫn lời phát biểu của ông Pompeo tại Đại học Rice ở TP.Houston (bang Texas). Ông Pompeo dẫn chứng Bắc Kinh triển khai vũ khí tới Biển Đông, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Huỳnh Thiềm
Tham gia ADMM+ lần này sẽ có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Giới phân tích cho rằng những hành động mang tính gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại ADMM+.
Chiều 16.11, đại tướng Ngô Xuân Lịch đã có các cuộc gặp với Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto. Tại cuộc gặp Phó thủ tướng Thái Lan, hai bên thống nhất cho rằng khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, vì vậy việc duy trì vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trong các cơ chế hợp tác tại khu vực, trong đó có ADMM+, là hết sức quan trọng.
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, hai bộ trưởng nhất trí trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam - Indonesia tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên; đồng thời thống nhất cùng phối hợp giải quyết vấn đề ngư dân hai nước vi phạm vùng biển của nhau trên tinh thần nhân đạo, tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như hai nước, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ hai nước cũng như trở thành một vấn đề khu vực.
TTXViệt Nam
“Dù Thái Lan đã chọn “An ninh bền vững” làm chủ đề của hội nghị khi nước này còn giữ chức chủ tịch ADMM, Biển Đông chắc chắn sẽ bao trùm hoặc ít nhất trở thành vấn đề nóng của ADMM+ lần thứ 6”, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời nhà phân tích kỳ cựu Shahriman Lockman thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Malaysia nhận định. Ngoài ra, chuyên gia Derek Grossman, thuộc Tổ chức Nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), dự đoán Bộ trưởng Esper sẽ tái khẳng định mục tiêu chiến lược của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “duy trì các đường biển chiến lược, đặc biệt ở Biển Đông, “mở” khỏi tình trạng ép buộc của Trung Quốc”.
Bộ trưởng Esper sẽ gặp các người đồng cấp ASEAN lần đầu tiên kể từ khi ông trở thành lãnh đạo Lầu Năm Góc hồi tháng 7 và sẽ cần thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN rằng chiến lược của ông đối với châu Á không phải là “hổ giấy”, theo SCMP. Nhà phân tích Indonesia A.Ibrahim Almuttaqi cho rằng các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN có thể “kỳ vọng sự cam đoan lần nữa” từ ông Esper đối với khối và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau khi dự ADMM+, ông Esper sẽ lần lượt đến Philippines và Việt Nam để thảo luận môi trường an ninh khu vực cũng như những cách thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.