Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook thông báo căn cứ không quân Incirlik ở miền nam thổ Nhĩ Kỳ sát biên giới Syria, nơi lực lượng Mỹ đóng quân tham gia chiến dịch không kích chống IS, đã bị cắt điện. Ông Cook xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa không phận với các máy bay quân sự và cho ngừng mọi hoạt động quân sự tại sân bay này, theo Fox News ngày 16.7. Hiện Lầu Năm Góc đang nỗ lực để tái khởi động lại chiến dịch không kích từ căn cứ này.
Ông Cavusoglu nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây cần được "làm sạch" khỏi sự ảnh hưởng của lực lượng tin theo giáo sĩ Gulen. Ông cho biết các binh sĩ tại căn cứ Incirlik có liên quan trong nỗ lực đảo chính và việc bắt giữ đã được tiến hành.
“Một khi các chiến dịch này hoàn tất, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống IS với các nước thuộc liên quân và tái hợp tác với NATO”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.
tin liên quan
Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ đứng sau đảo chínhNgoại trưởng John Kerry nói rằng Washington đang cân nhắc lời đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ cho phép dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc chỉ đạo vụ đảo chính đêm 15.7.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong việc chống IS. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng sau những chỉ trích của Mỹ về việc chính quyền Tổng thống Erdogan ngày càng độc đoán, việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm vũ trang Hồi giáo và chậm trễ trong việc đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn các tay súng từ Syria tràn qua.
Sau cuộc đảo chính bất thành khiến ít nhất 265 người thiệt mạng và 1.400 người bị thương tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đều bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền của Tổng thống Erdogan, theo Reuters.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã ám chỉ Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính ngày 15.7. Tổng thống Erdogan thì cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen (hiện sống lưu vong ở Mỹ) đứng sau vụ đảo chính này và đòi Mỹ phải cho dẫn độ người này. “Nếu chúng ta là đối tác chiến lược, thì các bạn phải chấp nhận yêu cầu của chúng tôi”, ông Erdogan tuyên bố trên truyền hình.
|
Ngoại trưởng Kerry sau đó tuyên bố với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng “những lời tố cáo hoặc bóng gió công khai về vai trò của Mỹ trong nỗ lực đảo chính bất thành là hoàn toàn sai trái và gây hại đến mối quan hệ song phương”. Ông Kerry cũng kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng quy tắc pháp luật trong việc điều tra vụ đảo chính.
Ngoại trưởng Kerry khẳng định rằng Mỹ không hề có thông tin gì về việc đảo chính sắp xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và nói lúc đó ông đang cùng Ngoại trưởng Nga đàm phán về tình hình Syria ở thủ đô Moscow (Nga). Đối với việc dẫn độ ông Gulen, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố sẽ xem xét đề nghị nếu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp bằng chứng cho thấy các hành động sai trái của ông Gulen.
Về phần ông Gulen, giáo sĩ này đã lên án hành động đảo chính của một bộ phận quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đêm 15.7. Ông Gulen cũng nói không liên quan gì đến vụ đảo chính và gọi các cáo buộc nhắm vào ông là sự sỉ nhục, theo NBC News.
Bình luận (0)