Google tôn vinh trống đồng Đông Sơn nhưng vẽ sai chiều họa tiết

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/09/2019 08:35 GMT+7

Google đặt biểu tượng trống đồng Đông Sơn trên trang chủ tìm kiếm tiếng Việt đúng ngày 2.9. Tuy nhiên, hình vẽ này lại không đúng với văn hóa trống đồng.

Vẽ sai chiều họa tiết trống đồng

Từ 0 giờ ngày 2.9, biểu tượng trống đồng xuất hiện trên trang chủ tìm kiếm bằng tiếng Việt của Google. Hình vẽ thể hiện một nửa mặt trống đồng. Trên đó, ở tâm hình là một nửa hoa văn ngôi sao 14 cánh. Các vòng họa tiết khác trên mặt thể hiện hình hươu, hình người giã gạo, hình nhà sàn…
Phần hoa văn ngôi sao ở chính giữa được thể hiện 7 cánh. Điều này cho thấy người tạo ra biểu tượng rất hiểu về sự đăng đối của các hoa văn trên trống đồng. Nếu ghép với nửa tương ứng còn lại, ta sẽ có ngôi sao 14 cánh thường thấy trên trống đồng, tượng trưng cho mặt trời của cư dân lúa nước.

Bản vẽ nét mặt trống đồng

Ảnh hinhanhvietnam

Các hoa văn được lựa chọn cũng khá tiêu biểu. Chẳng hạn, hoa văn hình người giã gạo thể hiện văn hóa phồn thực. Hoa văn có mái cong như hình thuyền vẫn được nhiều người giải mã là nhà ở. Hình hươu gửi gắm mong muốn cuộc sống ấm no và cũng có người lý giải nó thể hiện thời gian buổi đêm…
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là các hoa văn này đã được thể hiện không giống với nguyên lý của trống đồng. Thông thường, các hoa văn trống đồng đều có hướng đi ngược chiều kim đồng hồ. Còn trong bản vẽ tôn vinh của Google Doodles này, chúng đi xuôi chiều kim đồng hồ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: “Cảm ơn bác Google nhưng trống đồng này giả, chiều trống quay sai rồi nhé! Niềm vui chưa trọn vẹn!”.

Sai lạc biểu tượng

PGS - TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết tất cả các trống đồng tìm thấy ở Việt Nam đều có chiều hoa văn ngược chiều kim đồng hồ. Nó thể hiện nghi lễ thờ thần mặt trời, cầu mưa thuận gió hòa. Bản thân các họa tiết trên trống cũng thể hiện điều này. “Như vậy, đây là hình vẽ không đúng với văn hóa trống đồng”, ông Tín nói.
Sau 90 năm nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều hiện vật trống đồng. Đặc biệt, cố nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura còn tìm thấy cả mảnh khuôn đúc trống đồng ở thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh). Trống đồng cũng từng được tìm thấy khá nhiều ở Tây nguyên.
PGS - TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ, còn cho rằng hoàn toàn có thể thành lập một bảo tàng trống đồng. Ở đó, có thể trưng những phát hiện đầu tiên ở sông Mã, sưu tập của các nhà khảo cổ Viện Viễn Đông Bác Cổ. Cũng ở bảo tàng này, có thể trưng bày các nghiên cứu của nhà khảo cổ học trong nước với đầy đủ các quy trình đúc đồng với nguyên liệu, khuôn, thành phẩm và phế phẩm.

Mặt trống đồng Ngọc Lũ

Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Trống đồng là một nhạc khí biểu tượng cho quyền lực, lễ hội, tôn giáo. Theo nghiên cứu của PGS - TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học, do tính biểu tượng cao này, trống đồng Đông Sơn thậm chí đã thành cái gai trong mắt quân xâm lược Trung Hoa.
Chính sử còn ghi lại: “Trống mất thì vận người Man cũng mất”. Người Man là cách nhà Hán gọi miệt thị các dân tộc phương nam, trong đó có người Việt cổ. Vì thế, theo nhà Hán, giải pháp để đồng hóa dân tộc là hủy diệt trống đồng. Nhiều trống đồng Đông Sơn đã bị nấu chảy.
Cho tới nay, nhiều trống đồng được tôn vinh Bảo vật quốc gia. Ngay trong đợt đầu tôn vinh năm 2011, đã có 3 trống đồng được tôn vinh. Đó là trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạtrống đồng Tây Sơn.
Trong số này, trống đồng Ngọc Lũ đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đúc phục chế tới 5 lần mới thành công. PGS - TS Hoàng Văn Khoán, nguyên giảng viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng sau những thử nghiệm đó thấy rất rõ đúc trống đồng Ngọc Lũ không thể áp dụng kỹ thuật đúc của Nhật Bản. Cũng theo ông, trống đồng Đông Sơn là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng của tổ tiên ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.