0 giờ đến rạng sáng là dễ buồn ngủ và cần ngủ nhất

TS-BS Nguyễn Sĩ Bảo
TS-BS Nguyễn Sĩ Bảo (Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM)
08/03/2023 06:10 GMT+7

Hướng dẫn của Tổ chức Giấc ngủ quốc gia ở Mỹ khuyến cáo người lớn khỏe mạnh cần ngủ từ 6 - 9 giờ mỗi đêm. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cần ngủ nhiều hơn để kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Những người trên 65 tuổi cũng nên ngủ từ 6 - 8 giờ mỗi đêm.

Nhu cầu ngủ của mỗi người rất đa dạng. Khi bạn tự thức dậy, cảm thấy khỏe khoắn và sẵn sàng cho ngày mới thì bạn đã ngủ đủ giấc. Một số rất ít người khỏe mạnh chỉ cần ngủ ít hơn 6 giờ (gọi là "những người ngủ ít") và đặc điểm này có liên quan yếu tố di truyền. Họ vẫn khỏe mạnh và không hề có triệu chứng buồn ngủ ban ngày mặc dù thời gian ngủ ít hơn. Nhưng hầu hết mọi người không thể mong đợi có được sức khỏe tốt với thời gian ngủ rất ít.

Thông thường mỗi người buồn ngủ và cần ngủ nhất là trong khoảng thời gian từ 0 giờ đến rạng sáng.

Trong các tình huống cảm thấy dễ buồn ngủ, có tình huống lái xe liên tục suốt một giờ hoặc trong khi dừng xe lại một vài phút trên đường.

Lái xe trong trạng thái buồn ngủ đang ngày càng được công nhận là một vấn đề nghiêm trọng. Người ta ghi nhận được rằng hơn 1/3 số người lái xe đã từng ngủ gục trên tay lái của họ và 1/6 số vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong là do buồn ngủ trong khi lái xe. Ngủ ít hơn 6 giờ sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông lên gấp 3 lần. Lái xe khi đang buồn ngủ, đồng thời uống các chất có cồn trước đó thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Các dấu hiệu cảnh báo cho thấy đang quá buồn ngủ không thể lái xe, bao gồm: khó tập trung, nặng mí mắt, chớp mắt thường xuyên, mất theo dõi thời gian, bỏ lỡ biển báo giao thông hoặc chạy quá lố, mơ mộng, ngáp thường xuyên, gục đầu, xe bị chệch bánh và có cảm giác bồn chồn hay cáu kỉnh.

Những người có nguy cơ cao buồn ngủ khi lái xe bao gồm: người trẻ tuổi, nam giới, công nhân làm theo ca, tài xế lái xe đường dài, những người đi du lịch thường xuyên và làm việc kéo dài nhiều giờ. Có một vấn đề về rối loạn giấc ngủ không được điều trị, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ, cũng làm tăng nguy cơ buồn ngủ trong khi lái xe.

Vấn đề đặt ra là lái xe sao cho an toàn? Điều 65 luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định thời gian làm việc của người lái ô tô không được quá 10 giờ trong 1 ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Luật ở ta quy định thì rất rõ, cụ thể nhưng các biện pháp kiểm soát và chế tài lại không đủ sức răn đe, và có lẽ chưa theo kịp hoạt động từ thực tiễn với hàng chục ngàn chuyến xe đường dài lăn bánh mỗi ngày.

Dưới góc nhìn về sinh lý giấc ngủ và sức khỏe, nếu thực thi tốt điều 65 luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì sẽ giảm thiểu được tối đa nguy cơ thảm nạn giao thông ở nước ta hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.