Sáng 5.12, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo "Phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy".
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, phân quyền, phân cấp là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Tuy vậy, việc phân quyền, phân cấp giữa T.Ư, Chính phủ và địa phương hiện chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của kỷ nguyên mới, làm chậm tiến trình phát triển đất nước. Điều này cũng dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Trong đề dẫn tại hội thảo, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho rằng Hiến pháp năm 2013 đã quy định về phân công, phân cấp, phân quyền. Thế nhưng, tư duy, nhận thức về phân quyền, phân cấp giữa T.Ư và địa phương hiện còn chậm thay đổi phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, nhà nước pháp quyền, quản trị quốc gia và cách mạng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Việc phân quyền chưa có gì thay đổi, mới tập trung vào phân cấp và ủy quyền. Nhưng phân cấp và ủy quyền cũng mang tính hình thức, vẫn phải hỏi ý kiến, thỏa thuận, thống nhất trước khi quyết định. "Ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm cả", ông Tuấn nói và nhấn mạnh thực trạng hiện nay đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: "phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao".
Muốn tinh gọn thì phải phân quyền
"Chúng ta 9 - 10 người dân nuôi 1 cán bộ công chức. Bộ máy đông quá, dân không chịu nổi", nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp nói. Đáng lo hơn, bộ máy biên chế tăng nhưng xử lý công việc lại chậm trễ, chất lượng thấp.
Ông Hợp cho rằng, phải gấp rút thực hiện tinh giản biên chế, mà muốn tinh giản thì phải phân quyền, phân cấp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định "không phân quyền thì không tinh gọn được bộ máy". Bởi lẽ, với bộ máy như hiện nay, số lượng việc tập trung ở T.Ư còn quá nhiều, từ cấp giấy phép, quản lý đầu tư… Thay vào đó, T.Ư chỉ nên tập trung vào thể chế, chiến lược, chính sách và kiểm tra, giám sát.
Ông Dĩnh cũng cho rằng, phân quyền, phân cấp phải thực sự triệt để. Thực tiễn thời gian qua phân quyền không triệt để nên rất vướng.
"Quốc hội hàng năm đều có quyết định ngân sách bao nhiêu, biên chế bao nhiêu, dự án chương trình bao nhiêu rồi thì anh phải quyết. Bây giờ anh lại phải xin Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính…", ông Dĩnh phân tích và cho biết việc này xảy ra cả ở cấp địa phương.
"1 con bò nhưng 3 bộ cùng quản lý"
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nói rằng, lâu nay bàn nhiều về phân quyền theo chiều ngang (lập pháp, tư pháp, hành pháp) và chiều dọc (T.Ư, địa phương), nhưng lại chưa bàn về phân quyền trong nội bộ.
Nhiều công việc của Chính phủ "dồn hết lên" Thủ tướng, trong khi đang có các bộ trưởng quản lý ngành dọc. Thậm chí, có những lĩnh vực cả Thủ tướng và bộ trưởng cùng tham gia quản lý.
Vì sao bộ trưởng phải đưa lên Thủ tướng? Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát giải thích, bộ trưởng dù ký quyết định về một chiến lược nào đó nhưng "tiền, nhân lực, chính sách lại không đi theo". Vì thế, bộ trưởng phải đưa lên Thủ tướng ký, giao trách nhiệm cho các bộ, từ đó mới có nguồn lực thực hiện.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Phát kể câu chuyện dịch bệnh đang "lan như lửa cháy", cần vắc xin để dập dịch ngay. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PT-NN, thế nhưng vắc xin thì lại ở trong kho dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý, phải làm rất nhiều thủ tục, vắc xin về đến nơi thì dịch đã lan rộng. Hay như một con bò sữa có tới 3 bộ cùng quản lý: Bộ NN-PT-NT quản lý về chăn nuôi, Bộ Công thương quản lý về chế biến, Bộ Y tế quản lý về uống sữa.
Những ví dụ trên cho thấy giữa các bộ, ngành còn chưa rõ ràng, chồng chéo; phải đẩy mạnh phân quyền, phân cấp ngay trong nội bộ từng cấp chính quyền.
Tình trạng chồng chéo, thiếu sự phân quyền rõ ràng trong nội bộ còn dẫn đến tình trạng xin - cho, gây nhiều vướng mắc. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đề nghị, phân quyền, phân cấp phải được thể hiện trong luật, quy định rõ việc, rõ quyền. Khi ấy, cơ quan, cá nhân chỉ cần làm theo luật, không phải báo cáo, cũng "không phải đi xin phép, trình bẩm, xin - cho như hiện nay".
Cùng với nguyên tắc "rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm", nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đề nghị phân cấp phải đi liền với "tiền, biên chế và cán bộ". Cùng đó là lựa chọn cán bộ đủ năng lực, đạo đức, tín nhiệm để thực hiện phân quyền, phân cấp. "Phân cấp mà không chọn cán bộ thì nguy lắm, trao quyền cho họ mà họ không đủ tiêu chuẩn thì chết", ông Hợp nói.
Bình luận (0)