1 năm chiến sự Ukraine: Giằng co giữa những ẩn số nhiều nguy cơ

Ngô Minh Trí
(thực hiện)
24/02/2023 06:30 GMT+7

Tròn 1 năm kể từ ngày 24.2.2022 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, chiến sự vẫn ở thế giằng co nhưng tác động sâu sắc đến địa chính trị lẫn kinh tế toàn cầu và giờ đây Trung Quốc lại trở thành ẩn số có thể ảnh hưởng cục diện.

Dự kiến hôm nay (24.2), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có bài phát biểu trước HĐBA LHQ nhân tròn 1 năm ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Bên cạnh đó, trong hôm nay hoặc ngày mai (25.2), tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt, Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu nghị quyết về tình hình Ukraine - nghị quyết được Washington cho biết sẽ mang ý nghĩa lịch sử.

 Theo truyền thông quốc tế, bên cạnh yêu cầu ngừng bắn và Nga phải rút quân khỏi Ukraine, nghị quyết còn quy trách nhiệm nghiêm trọng của Moscow ở Ukraine. Nếu nghị quyết được thông qua, căng thẳng giữa Nga với Mỹ và đồng minh có thể tăng cao, gây nhiều rủi ro khó lường.

1 năm chiến sự Ukraine: Giằng co giữa những ẩn số nhiều nguy cơ - Ảnh 1.

Cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không nhún nhường trong khi xung đột giữa 2 nước chưa có hồi kết

Reuters

Không những vậy, tờ The Wall Street Journal ngày 23.2 dẫn thông tin từ giới chức Mỹ tiết lộ nước này đang xem xét công bố thông tin tình báo "cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Nga". Trước đó, bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức), trong cuộc gặp ông Vương Nghị (Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc) vào ngày 18.2, Ngoại trưởng Blinken cảnh báo về những hệ quả nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine. Phản ứng cảnh báo trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Mỹ không có cơ sở gì để "thuyết giáo" về việc Bắc Kinh có thể cung cấp vũ khí cho Moscow.

Xem nhanh: Ngày 364 chiến dịch, Mỹ nghi Trung Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí; nội bộ quân Nga rạn nứt?

Đến ngày 20.2, AFP dẫn lời Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng ở Ukraine sẽ là "lằn ranh đỏ" trong quan hệ song phương. Cùng ngày 20.2, trong khi ông Vương Nghị công du đến Moscow, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ công du đến Kyiv để khẳng định cam kết với Ukraine.

Theo giới phân tích, nếu Trung Quốc thực sự cung cấp vũ khí cho Nga thì điều này có thể khiến chiến sự Ukraine càng trở nên phức tạp, mang bóng dáng của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm liên quan nhiều bên.

Nhân dịp tròn 1 năm bùng nổ chiến sự Ukraine, các chuyên gia quốc tế cũng đã trả lời Thanh Niên để đưa ra các đánh giá về ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu cũng như khu vực và kinh tế thế giới. Kèm theo đó là dự báo thế trận chiến sự trong thời gian tới. 

1 năm chiến sự Ukraine: Giằng co giữa những ẩn số nhiều nguy cơ - Ảnh 2.

Rủi ro địa chính trị lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh

Đến nay, cuộc chiến ở Ukraine là rủi ro địa chính trị lớn nhất mà thế giới trải qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. "Cổ tức hòa bình" ở châu Âu đã kết thúc…

Nga trở thành thách thức lớn với các quốc gia NATO ở châu Âu, khiến cho các nước và thể chế phương Tây, đặc biệt là NATO, EU và G7, đang tăng cường sức mạnh để đáp trả Moscow. Các nước này tăng cường ngân sách quốc phòng, đồng thời định hướng lại thương mại kinh tế và năng lượng khỏi Nga… Cả hai diễn biến này sẽ không thể đảo ngược.

Tất cả những diễn biến đó đều khiến tình hình khu vực khó ổn định. Nga sẽ tham gia vào cuộc chiến bất đối xứng chống lại các quốc gia này (giống như Iran đã làm ở Trung Đông). Hy vọng, căng thẳng và xung đột sẽ không lan rộng thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm quy mô lớn có sự tham gia của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Moscow, Mỹ và đồng minh sẽ tăng cường trừng phạt Trung Quốc, thì căng thẳng sẽ còn leo thang.

Cuối cùng, một thách thức lớn cho các nước đang phát triển là phải gánh chịu sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí hàng hóa dù nguyên nhân bắt nguồn từ một cuộc chiến mà những nước này không tham gia.

TS Ian Bremmer (Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới)

1 năm chiến sự Ukraine: Giằng co giữa những ẩn số nhiều nguy cơ - Ảnh 4.

Nguy cơ chia rẽ hơn nữa nền kinh tế thế giới

Năm ngoái, những tác động tức thời lớn nhất từ cuộc xung đột Ukraine là đối với thị trường năng lượng và thực phẩm/phân bón. Về năng lượng, Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt và EU sau đó còn cắt giảm mua khí đốt từ Nga nhiều hơn. Vì hầu hết khí đốt của Nga phải di chuyển bằng đường ống và hầu hết các đường ống dẫn đến châu Âu, điều này làm giảm nguồn cung khí đốt toàn cầu, khiến giá khí đốt thế giới lên cao. Tuy nhiên, mùa đông châu Âu ấm áp bất thường hiện tại đã khiến giá nhiên liệu giảm đáng kể, dù giá cả còn phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa thời hậu Covid-19.

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp thực phẩm và phân bón quan trọng. Trong đó, do không bị lệnh trừng phạt về thực phẩm hay phân bón, Moscow vẫn có thể xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí có thể tăng cường xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine tại những khu vực mà Nga kiểm soát. Ukraine thì xuất khẩu lương thực với số lượng hạn chế. Các diễn biến này có thể khiến nhiều người trên thế giới rơi vào đói nghèo. Vì khí đốt tự nhiên được sử dụng để sản xuất phân bón u rê vốn liên quan trực tiếp đến trồng cây lương thực.

Nếu Trung Quốc quyết định cung cấp vũ khí sát thương và đạn dược cho Nga, điều này sẽ tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và có thể là các quốc gia khác ủng hộ Ukraine. Khi đó, nền kinh tế thế giới có thể bị chia rẽ hơn nữa.

GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ)

1 năm chiến sự Ukraine: Giằng co giữa những ẩn số nhiều nguy cơ - Ảnh 6.

Mỹ bị giảm bớt nguồn lực cho châu Á

Cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ khiến Mỹ không thể tập trung vào các thách thức ở châu Á mà chủ yếu đến từ Trung Quốc. Bắc Kinh và Moscow chia sẻ lợi ích trong việc làm xao nhãng sự tập trung của Washington.

Tuy nhiên, chính sự liên kết giữa Bắc Kinh và Moscow, các cường quốc châu Âu đang cố gắng tăng cường hợp tác giữa NATO và các đồng minh châu Á của Mỹ, nhằm cùng nhau kiểm soát Trung Quốc và Nga.

Bên cạnh đó, chiến sự Ukraine đã gây lo ngại Trung Quốc đại lục có thể tấn công quân sự nhằm vào Đài Loan, nên đã thúc đẩy Nhật Bản thay đổi mạnh mẽ về chính sách. Điển hình, Tokyo đã công bố Chiến lược Phòng thủ quốc gia mới, trong đó tăng cường trang bị vũ khí - điều mà trước đây, nếu thực hiện thì Nhật Bản có thể bị dư luận trong nước phản ứng. Bối cảnh trên cũng khiến mạng lưới liên kết mới đang phát triển xung quanh các liên minh của Mỹ ở châu Á.

GS Yoichiro Sato (Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore)

1 năm chiến sự Ukraine: Giằng co giữa những ẩn số nhiều nguy cơ - Ảnh 8.

Tình hình chiến trường tiếp tục giằng co

Thời gian tới, cả Nga lẫn Ukraine đều không thay đổi đáng kể về chiến lược. Cả hai đều muốn tiến hành các cuộc tấn công lớn. Có thể, Nga muốn tập trung tấn công ở phía đông để hoàn toàn kiểm soát vùng Donbass, Ukraine thì muốn tập trung phía nam nhằm cô lập bán đảo Crimea với hy vọng chiếm lại nó. Tuy nhiên, cả hai đều khó đạt bước tiến lớn.

Nhưng thực tế, các cuộc tấn công của Moscow sẽ bị hạn chế do cần củng cố Crimea. Kyiv sẽ tiếp tục tấn công gây tổn thất cho lực lượng và cơ sở hậu cần của Nga ở Donbass. Và Moscow cũng sẽ tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine để làm suy yếu tinh thần của nước này. Hai bên sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự hiện tại do bị giới hạn về khả năng hậu cần.

Có lẽ, Ukraine đang đợi mùa hè để phát động một cuộc tấn công quy mô vừa phải ở miền nam. Thời tiết sẽ thuận lợi cho các hoạt động quân sự từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8. Máy bay do phương Tây cung cấp có thể sẵn sàng vào lúc đó. Nga có thể cũng đang nghĩ tương tự nên dù mỗi nước cố gắng làm gì, thì thực tế hậu cần sẽ vẫn là khó khăn.

Một yếu tố có thể xảy ra: Trung Quốc có kho dự trữ đạn dược và pháo binh lớn cũng như các phương tiện vận tải cũ. Đến nay, lượng đạn dược và pháo binh này đã dư thừa so với nhu cầu của Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh có thể chuyển giao cho Moscow nhưng quy mô chuyển giao sẽ nhỏ và tăng từ từ để hạn chế việc bị Mỹ phát hiện. Xung đột ở Ukraine kéo dài sẽ khiến Mỹ hạn chế nguồn lực ở châu Á. Đây là điều có lợi cho Trung Quốc.

Chuyên gia Carl Schuster (Cựu chỉ huy một đơn vị tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan)

1 năm chiến sự Ukraine: Giằng co giữa những ẩn số nhiều nguy cơ - Ảnh 10.

Chuyên gia: Xung đột Nga-Ukraine sẽ nóng hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.