Tại các trường học ở TP.HCM, có thể thấy tỷ lệ học sinh cận thị ngày càng tăng. Theo kết quả khám sức khỏe năm học 2021-2022 trong lớp 4 của một trường tiểu học có tên tuổi ở Q.1, TP.HCM, một lớp sĩ số 30 học sinh thì có 21 em là thừa cân, béo phì và có tật khúc xạ ở mắt (chủ yếu là cận thị).
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, nữ sinh Võ Xuân Nhật Quỳnh (18 tuổi, du học sinh tại Úc từ cuối năm học lớp 11) cho biết: "Khi sang tới trường phổ thông tại Úc, em rất ngạc nhiên khi ở đây các bạn phải đeo kính là rất ít". Trong khi đó, ở trường cũ của Nhật Quỳnh là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), một lớp 33 học sinh, chỉ có 3 bạn là không phải đeo kính vì cận thị.
Vì sao học sinh cận thị ngày càng nhiều, những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, việc học tập, phương án dự phòng, điều trị ra sao?
Phóng viên Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với tiến sĩ-bác sĩ (TS-BS) Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đại sứ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Viện Cận thị thế giới về vấn đề này. Anh Huy cũng là người góp mặt trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí hàng đầu thế giới lĩnh vực y khoa LANCET Neurology năm 2022.
66% người Việt Nam có thể bị cận thị năm 2050
Thưa TS-BS Trần Đình Minh Huy, anh nhận xét về tình trạng học sinh cận thị hiện nay?
Hiện nay, tại TP.HCM hoặc trên bình diện toàn quốc nói chung, chúng ta còn thiếu các khảo sát mang tính cộng đồng về cận thị học đường được thiết kế nghiên cứu tốt. Do đó, đây cũng là một điểm mà nhân viên y tế chúng tôi sẽ còn cố gắng thực hiện trong thời gian tới dù việc hiện thực hóa được các chương trình này cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ.
Trong quá trình thực hành lâm sàng tại cơ sở khám chữa bệnh, tôi cùng đồng nghiệp chuyên khoa Mắt đều nhận thấy có sự tăng nhanh tỷ lệ phát hiện các tật khúc xạ, nhất là cận thị và lứa tuổi được phát hiện cũng có xu hướng ngày càng trẻ hơn.
Điều này phù hợp với những báo cáo lớn với độ tin cậy cao, như dự báo của WHO và Viện Thị giác Brien Holden vào năm 2016 với nhóm quốc gia có tỷ lệ cận thị cao nhất trên toàn thế giới là Đông Á và Đông Nam Á cho thấy 50% dân số thế giới sẽ là người cận thị vào năm 2050 và gần 1 tỉ người sẽ là cận thị nặng.
Riêng khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, thì tỷ lệ này có thể lên đến 66%.
Hoặc tỷ lệ cận thị tại Mỹ hiện nay tăng gấp đôi so với những năm thập niên 70; hoặc dự báo tỷ lệ cận thị tại Singapore đạt đến 80% của dân số khi 18 tuổi. Đây đều là những con số cực kỳ đáng báo động, cho thấy tỷ lệ mắc cận thị đang tăng nhanh trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Á, Đông Nam Á.
Ở TP.HCM có những lớp học 30/33 học sinh phải đeo kính. Nhiều trường tiểu học cũng có nhiều học sinh bị cận thị. Đâu là những nguyên nhân của tình trạng này?
Trước đây, cận thị thường được cho là do di truyền từ cha mẹ sang con. Ngày nay, với sự phát triển mạnh của nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới, cận thị được khẳng định là kết quả của một phức hợp nhiều yếu tố tác động với 2 nhóm nguyên nhân chính là di truyền và môi trường sinh hoạt, học tập.
Các nghiên cứu cũng đã công bố rằng trẻ em sinh ra từ các gia đình có cha/mẹ cận thị thì có nguy cơ hình thành và phát triển cận thị cao hơn hẳn so với từ gia đình mà phụ huynh không mắc cận thị. Trẻ em sinh sống ở thành thị có tỷ lệ mắc cận thị cao hơn ở thôn quê.
Việc tăng thời gian sinh hoạt các hoạt động nhìn gần (đọc sách, truyện, thiết bị điện tử) và hạn chế thời gian sinh hoạt ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình cận thị hóa ở trẻ nhỏ cũng như làm cận thị tiến triển nhanh hơn, gây rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và theo dõi thị giác về sau. Đây đều là những yếu tố báo động cho một gánh nặng về chăm sóc thị giác trong tương lai.
Có vẻ phụ huynh khá bàng quan với việc học sinh sớm gặp tật khúc xạ, họ nói rằng cận thị hay loạn thị thì đeo kính là được. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khoa học, với số lượng học sinh cận thị ngày càng lớn và độ tuổi sớm sẽ gây những hệ lụy gì?
Đúng, đây là một tâm lý khá phổ biến ngày nay của phụ huynh và tôi cũng rất hay gặp trong quá trình thực hành thăm khám lâm sàng cận thị ở trẻ em. "Cận thị hay tật khúc xạ không chỉ đơn giản là mang kính" nên là thông điệp được lan tỏa nhất đến mọi người dân để từ đó, phụ huynh có những thông tin ban đầu đầy đủ để chăm sóc và theo dõi sức khỏe thị giác cho các con.
Bởi vì, mang kính gọng chỉ là bước đầu tiên và là cơ bản nhất giúp trẻ có một sức nhìn tốt, đảm bảo sinh hoạt hằng ngày. Còn cận thị, nhìn tổng quát hơn, là một bệnh lý tiến triển mạn tính của nhãn cầu đi kèm với những nguy cơ phát triển các bệnh lý tổn hại thị giác nặng nề về sau.
Về định nghĩa, cận thị là một tật khúc xạ trong đó hình ảnh rơi phía trước võng mạc gây nhìn mờ và chiều dài trục nhãn cầu có xu hướng dài hơn bình thường. Khi trẻ tăng trưởng, chiều dài nhãn cầu cũng tăng dần lên cùng với độ cận thị của trẻ cũng tăng lên, chính quá trình này là gốc rễ của những nguy cơ biến chứng thị giác trong tương lai.
Chúng ta có thể lấy một ví dụ rất đời thường khi liên tưởng đến hình ảnh quả bóng thổi càng to thì lớp vỏ quả bóng sẽ càng mỏng và càng dễ xuất hiện những tổn thương nặng nề của lớp vỏ, thậm chí rách. Điều này tương ứng ở người cận thị thì độ cận thị càng cao sẽ đi kèm nguy cơ cao xuất hiện bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm cận thị, những biến chứng nặng nề về thị giác có thể mù lòa.
Hướng giải pháp lâu dài, bền vững của vấn đề cận thị học đường là gì?
Có thể nói, hầu hết các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt khu vực Đông Á và Đông Nam Á, ngày nay đều có chương trình hành động quốc gia đối với vấn đề tật khúc xạ mà nổi bật là cận thị.
Những quốc gia, vùng lãnh thổ có chương trình phòng chống, can thiệp, kiểm cận thị nổi tiếng trên thế giới như Singapore, Đài Loan áp dụng các chương trình này tại trường học tiểu học, THCS từ khoảng 3-5 năm nay. Bước đầu cho thấy những kết quả đáng khích lệ trong việc làm chậm sự gia tăng tỷ lệ mắc mới cận thị ở trẻ em.
Gia đình, nhà trường và xã hội luôn có những vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe thị giác nói chung và cận thị, tiến triển cận thị nói riêng của mọi trẻ mắc cận thị.
Những việc cần làm và có ý nghĩa rất lớn dành cho trẻ, theo TS-BS Trần Đình Minh Huy, bao gồm:
- Đưa trẻ đến cơ sở uy tín, được thăm khám đúng quy trình đánh giá về cận thị và kiểm soát cận thị thường quy ít nhất mỗi năm một lần chứ không chờ đến khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như nheo mắt, nghiêng đầu, xem tivi gần, chớp mắt, hoặc than nhìn bảng mờ thì mới đưa đi khám.
- Khi đã được chẩn đoán xác định trẻ cận thị thì cần có một kế hoạch chăm sóc, theo dõi cả về sự tiến triển độ cận cùng các thông số sinh trắc nhãn cầu, cùng với việc đeo kính đúng số (độ cận, loạn) để luôn đánh giá toàn diện về tình trạng cận thị.
- Cận thị là một tật khúc xạ thường gặp nhất, nhưng trên hết cần hiểu, cận thị là một bệnh lý diễn tiến mạn tính có ảnh hưởng thay đổi lâu dài và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý có thể tổn hại nặng nề đến thị giác. Độ cận càng cao thì nguy cơ càng cao. Do đó, cận thị không chỉ đơn giản là mang kính mà cận thị cần phải được điều trị kiểm soát tốc độ tiến triển một cách hiệu quả để từ đó có thể hạn chế nguy cơ tổn hại thị giác trong tương lai của trẻ, hạn chế những gánh nặng về sức khỏe cho bản thân, gia đình lẫn xã hội.
Bình luận (0)