KTS Nguyễn Xuân Phúc: Bài học 'tiêu chuẩn cây xanh, khoảng lùi' lắp mái che từ Singapore

KTS Nguyễn Xuân Phúc: Bài học 'tiêu chuẩn cây xanh, khoảng lùi' lắp mái che từ Singapore

01/04/2023 07:41 GMT+7

Nối tiếp những ý kiến, thảo luận về việc làm mái che vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM), KTS Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP.HCM cho rằng nên thận trọng trong việc áp dụng mô hình của các nước trên thế giới và cần ưu tiên phát triển mảng xanh mềm mại thay vì sử dụng các vật liệu hiện đại với kiến trúc mái nặng nề.

Những ngày qua, đề xuất lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi (ở quận 1, TP.HCM) đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam, trong khi các nước trên thế giới đã áp dụng từ nhiều năm nay, đặc biệt là các nước có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội tương tự như Thái Lan, Singapore.

Để mở rộng góc nhìn từ phía chuyên gia, về bài học kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng thành công mô hình lắp mái che, báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP.HCM (VDAS), kiêm Phó Trưởng khoa Kiến trúc Mỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

KTS Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ 'tiêu chuẩn cây xanh, khoảng lùi' lắp mái che ở Singapore


Những nước xung quanh chúng ta như Thái Lan, Malaysia hay Singapore với điều kiện thời tiết tương đồng đã thiết kế ngay từ đầu, làm kỹ việc quản lý quy hoạch, tổ chức giao thông, hành lang. Tất cả các tòa nhà dọc theo trục đường mua sắm, trung tâm thương mại đều phải có hành lang công cộng bên cạnh những cảnh quan về cây xanh thiên nhiên.

KTS NGUYỄN XUÂN PHÚC


Singapore được biết là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng và sử dụng mái che vỉa hè trên thế giới, khi ngay từ năm 1822, trong bản quy hoạch tổng thể của Đảo quốc Sư tử, chính quyền đã yêu cầu mỗi căn nhà khi xây dựng cần phải có một hành lang mở rộng tối thiểu 1,5 mét nhằm tạo lối đi cho người đi bộ.

Đến đầu thập niên 1990, Chính phủ Singapore đã quyết định mở hệ thống mái che vỉa hè dựa trên những hành lang mở được xây dựng theo quy hoạch nêu trên. Sau này, trước lợi ích từ hệ thống mái che vỉa hè, Singapore đã xây dựng thêm những lối đi bộ ngoài trời có mái che, tách biệt với hành lang và vỉa hè.

KTS Nguyễn Xuân Phúc nhận định về bài học áp dụng mô hình làm mái che từ Singapore: "Singapore có những quy hoạch tương đối rõ ràng về khoảng trống trong các trung tâm, các trục đường. Còn chúng ta bị khống chế bởi vì trục đường này rất nhỏ nên khi dùng kiến trúc mái che chắc chắn phạm vào mặt không gian đường phố, làm cho chúng ta thấy nó rối. Ở Singapore, không gian từ công trình kiến trúc ra đến hệ thống vỉa hè khá lớn, có thể đến 6-7 mét. Còn ở Việt Nam chỉ có khoảng 3-4 mét thôi, nên phải đánh giá lại xem ảnh hưởng gì đến mặt cứng kiến trúc hay không?. Có thể học hỏi Singapore về việc không bê tông hóa, trong quá trình quản lý xây dựng bắt buộc kiến trúc sư khi thiết kế mặt đứng hay là mặt bằng đều quan tâm đến các tiêu chuẩn về cây xanh, tiêu chuẩn về khoảng lùi, thậm chí giao thông đi bộ trên mặt đứng của công trình kiến trúc đó".

Cũng theo KTS Nguyễn Xuân Phúc, để giải quyết bài toán mái che cần phải tham khảo kinh nghiệm của các nước, đồng thời nghiên cứu kỹ điều kiện hiện có của Việt Nam cũng như giá trị lịch sử của các kiến trúc cũ và mới, với sự hài hòa và yếu tố thẩm mỹ được đặt lên hàng đầu.

Xem nhanh 20h ngày 31.3: Loạn hàng rong, phun lửa ở phố đi bộ | Bài học lắp mái che từ Singapore

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.