Với lý do để tăng tính hấp dẫn, tạo không gian thương mại, mua sắm dọc phố thêm sinh động, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM dùng mái che vỉa hè rộng 4m trên đường Lê Lợi.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, hiện trạng tuyến đường không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do vậy, giải pháp hiện nay là tăng cường mái che vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại - dịch vụ... Tuy nhiên, đề xuất này gây ra nhiều tranh luận.
Ông Nguyễn Mạnh Bình San đã có những phân tích và góc nhìn về câu chuyện này.
Chuyên gia quy hoạch cảnh quan: Ủng hộ làm mái che đường Lê Lợi nhưng 30 tỉ làm kiểu gì?
Với đề xuất trên, ông ủng hộ hay phản đối?
Với kinh nghiệm 25 năm làm về cảnh quan, đến nay công ty chúng tôi đã đưa cảnh quan tiến đến tầm giá trị cao nhất là cảnh quan môi trường sống, cảnh quan làm đúng giá trị là cung cấp 1 môi trường sống cho con người, cư dân ngoài môi trường tập trung trước kia là trong công trình kến trúc.
Việc làm sao tuyến phố Lê Lợi được đông đúc, xôm tụ người đi bộ là vấn đề tôi rất ủng hộ và quan tâm. Nội dung tăng tính hấp dẫn, tạo không gian thương mại, mua sắm dọc phố thêm sinh động, quan điểm của tôi là ủng hộ.
Các nước khác trong khu vực, ở các tuyến đường trung tâm thành phố, họ có làm mái che như vậy không?
Về đề xuất làm mái che với lý do cây xanh chưa phủ xanh kịp của Sở Quy Hoạch đang có nhiều ý kiến trái chiều, theo tôi vấn đề là chúng ta đang bị thiếu thông tin ý tưởng của Sở nên khi nghe về 3 điểm:
Thứ nhất, mái che đối lập với cây xanh.
Thứ hai, tole sắt tạm bợ rẻ tiền, nóng - đối lập với lâu dài, mỹ quan, mát.
Thứ ba, 20 -30 tỉ - đối lập với 4.000 mét vuông giá trị cao và một bản đề xuất ý tưởng khiến công chúng hoang mang và ý kiến là đúng rồi.
Trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, rất nhiều tuyến phố có mái che và các hoạt động đô thị diễn ra dưới mái che đó, đặt biệt Việt Nam là khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều và nắng nóng, để tạo điều kiện thu hút khách đi bộ mua sắm hoạt động tham quan giải trí ngoài trời, cùng với giá trị bậc nhất của tuyến đi bộ Lê Lợi thì đầu tư mái che là cần thiết.
Tuy nhiên, đã đầu tư phải được đầu tư xứng tầm , đạt giá trị mỹ thuật và phải tính toán lâu dài kết hợp với phát triển cây xanh trong vòng 10 -15 năm thì mới được, và nếu làm hai bên với diện tích 8.000 mét vuông , 4.000 mét vuông mỗi bên không thể nào dưới 100 tỉ.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, hiện trạng tuyến đường không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước, ông nghĩ sao? Thực tế, việc trồng cây xanh trên tuyến đường này có gặp khó khăn gì không?
Vấn đề cây xanh không tức thời có bóng mát ngay, theo tôi là đúng.
Hiện tại chúng ta đang thấy các đô thị trồng cây lớn xanh ngay và so sánh việc này với công trình công cộng đô thị của nhà nước là không đúng. Cây xanh trong phạm vi tiểu đô thị thì mục tiêu trồng cây là để có ngay hình ảnh phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản, các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro rất cao về chi phí đầu tư và tính bền vững. Còn công trình đô thị của nhà nước, trồng cây phải là cây vừa mới trưởng thành không quá lớn để còn phát triển ổn định bám rễ an toàn và bền vững mãi mãi, chứ đâu trồng cây lớn ngay được.
Nổi tiếng với các công trình cảnh quan công cộng với các chất liệu thân thiện môi trường, hình thức lắp ráp nhanh gọn, sáng tạo - ông có đề xuất phương án nào không?
Giải pháp như đã nói ở trên công ty chúng tôi ngày nay đã tiến đến công ty nghiên cứu và phát triển kiến trúc cảnh quan, với hệ sinh thái trên 20 đối tác thiết kế, đối tác cung cấp giải pháp, chúng tôi có rất nhiều giải pháp nghiên cứu áp dụng từ thế giới để tạo các không gian tự nhiên, bán tự nhiên… nhằm cung cấp ra các không gian sống ngoài trời, với mục tiêu khuyên khích người dân tương tác xã hội và sinh hoạt ngoài trời càng nhiều càng tốt.
Cụ thể giải pháp áp dụng cho Phố Lê Lợi thế nào, tôi xin phép được không đề xuất cho đến khi có một chủ trương, định hướng, đề bài cụ thể nhằm tránh việc tranh luận chi tiết không cần thiết. Nhưng tiêu chí phải dưa trên 3 điểm như sau:
Thứ nhất là công trình cảnh quan xứng tầm bậc nhất Việt Nam và mới mẻ với thế giới mang lại giá trị cộng đồng, và thương hiệu điểm đến.
Thứ hai, bền vững an toàn nhưng kết hợp được cây xanh, mảng xanh phát triển lâu dài.
Thứ ba phải là công trình thiết kế do kiến trúc sư Việt Nam thực hiện một công đôi việc.
Bình luận (0)