10 dự án điện mặt trời giảm phát, thiệt hại gần 500 tỉ đồng

17/10/2019 15:35 GMT+7

Giảm phát đến 60% công suất, ước tính thiệt hại của 10 dự án năng lượng sạch giảm phát trong 6 tháng lên đến 500 tỉ đồng.

Ngày 17.10, Đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận về tình hình phát triển điện lực và các nội dung liên quan đến giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về phát triển 2.000 MW điện mặt trời (ĐMT) trên địa bàn Ninh Thuận đến năm 2020, trên cơ sở dự án được TTCP và Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án với tổng công suất 1.817 MW.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm các công trình năng lượng sạch tại Ninh Thuận

Thiện Nhân

Đến ngày 30.6.2019, địa phương đã có 18 dự án năng lượng sạch (15 dự án ĐMT với tổng quy mô công suất 1.063 MW và 3 dự án điện gió (ĐG), tổng công suất 117 MW) đã chính thức đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, việc giải phóng công suất cho 18 dự án năng lượng sạch đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện có đến 10/18 dự án (9/15 dự án ĐMT và 1/3 dự án ĐG) công suất 359 MW phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (tương đương 215 MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Dự kiến đến cuối năm 2019, có 4 dự án, công suất 140 MW và năm 2020 có 12 dự án, công suất 614 MW tiếp tục đưa vào vận hành thương mại.
Theo ông Vĩnh, việc giảm phát đã làm thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư của dự án và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ước tính sơ bộ đến ngày 30.6, 10 dự án phải thực hiện giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh sản lượng điện, với tổng số tiền thiệt hại đối với các chủ đầu tư khoảng 50 tỉ đồng. Nếu tình hình cứ tiếp tục giảm phát, ước tính 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu kWh (tương đương thiệt hại khoảng 480 tỉ đồng). Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư vì vi phạm cam kết tiến độ trả lãi cho ngân hàng.
Để giải quyết tình trạng giảm phát và hạn chế thiệt hại cho các nhà đầu tư, ông Vĩnh cho biết địa phương đã có văn bản báo cáo TTCP và Bộ Công thương có văn bản kiến nghị : Thống nhất cơ chế đầu tư Dự án nhà máy ĐMT kết hợp hạ tầng truyền tải trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây đấu nối do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất; khi hoàn thành dự án sẽ bàn giao công trình hạ tầng này cho EVN quản lý, vận hành mà không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư.

Nhiều dự án điện mặt trời đang giảm phát

Lê Văn Hùng

Về kiến nghị cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư Dự án nhà máy ĐMT kết hợp hạ tầng truyền tải trạm biến áp 500 kV Thuận Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt câu hỏi : Trong khi chúng ta không có kinh phí đầu tư thì tư nhân sẵn sàng vay vốn đầu tư công trình đường dây dài 27 km và trạm biến áp 500 kV mà từ chối thì có khôn ngoan không? Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan tổng hợp ý kiến, bổ sung quy hoạch... trình TTCP xem xét phê duyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.