10 game offline xứng đáng đoạt giải "Mâm xôi vàng 2013"

15/01/2014 08:00 GMT+7

Năm 2013 để lại nhiều ấn tượng khó quên về những tựa game đỉnh cao. Tuy nhiên, không phải trò chơi nào cũng xứng đáng để người chơi thưởng thức. Thanh Niên Game xin điểm mặt mười game đáng nhận giải "Mâm xôi vàng 2013".

1. Aliens: colonial marines

Dựa theo series phim điện ảnh rất ăn khách về quái vật ngoài hành tinh (Alien), Aliens: colonial marines được kì vọng sẽ phá bỏ cái “dớp” game ăn theo phim mà mọi người gán cho. Tuy nhiên, kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn khi trò chơi vẫn mang danh “bom xịt” dù được đồng phát triển bởi loạt hãng game danh tiếng như: Gearbox Software hay TimeGate Studios.

Với nền đồ họa cũ kỹ, âm thanh nửa vời, A.I máy “ngu đần”, khung hình trồi sụt, phần chơi chiến dịch cực ngắn,… Aliens: colonial marines sở hữu vô vàn khuyết điểm đến nỗi ngay cả các fan của series Aliens cũng nên tránh càng xa càng tốt tựa game này. 

2. The walking dead: Survival instinct

Tiếp tục là một sản phẩm ăn theo, khi hiện tượng phim truyền hình The walking dead của kênh truyền hình cáp AMC (chiếu trên HBO tại Việt Nam) tái ngộ người hâm mộ bằng tựa game The walking dead: Survival instinct. Trò chơi sở hữu một nền đồ họa “xưa như trái đất”, A.I của lũ zombie cực kì ngu ngốc, cơ chế chiến đấu được xây dựng vô cùng sơ sài.

Thế nên, dù được chính hai diễn viên Norman Reedus và Michael Rooker lồng tiếng cho hai anh em Daryl và Merle (mà họ đảm nhận trong phim) thì chừng đó vẫn là chưa đủ để người chơi khỏi phải lắc đầu ngao ngán trước phế phẩm The walking dead: survival instinct. Game cũng đã “góp” một phần không nhỏ vào việc đóng cửa của hãng phát triển Terminal Reality vào cuối năm 2013.

Lời khuyên dành cho bạn là nên thưởng thức dòng game phiêu lưu The walking dead của Telltale Games hơn là phí thời gian vào trò chơi này.

3. Star trek: The video game

Tiếp bước hai “người anh em” kể trên khi Star trek: the video game vẫn chẳng thể thoát khỏi cái bóng của dòng phim cùng tên. Ngoài điểm sáng duy nhất là đồ họa khá ổn thì các mặt khác của game đều rất chán.

Trò chơi mang đến một cốt truyện không hề lôi cuốn, cơ chế bắn súng cứng nhắc cùng sự rập khuôn trong cách chơi, A.I cũng là một điều đáng nói khi nó cực kì tệ hại từ bạn đồng hành cho đến kẻ địch đã mang đến một Star trek không thể nào tẻ nhạt hơn. Có lẽ hãng phát triển Digital Extremes nên xem xét kỹ lưỡng các sản phẩm của mình trong tương lai để tránh lâm vào vết xe đổ của Star trek: The video game

4. Fast & furious: Showdown

Quả là một năm thật buồn cho thương hiệu Fast & furious sau sự ra đi của nam tài tử Paul Walker. Nhưng đó không phải là điểm đen duy nhất của dòng phim nổi tiếng này. Trò chơi Fast & furious: Showdown khi ra mắt đã vấp phải hàng loạt chỉ trích bởi chất lượng cực tồi, đồ họa kinh khủng, cơ chế lái xe bắn súng tầm thường cùng hàng đống lỗi linh tinh. Dù mê Fast & furious đến cỡ nào thì bạn cũng nên chọn một game đua xe khác xứng đáng hơn tựa trò chơi “í ẹ” này. 

5. Ride to hell: Retribution

Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều” là câu nói chính xác dành cho hãng game châu Âu Deep Silver cùng tựa game Ride to hell: Retribution của họ. Những tưởng người chơi sẽ được mục kích một trò chơi về yên hùng xa lộ đầy hấp dẫn với những trường đoạn máu lửa thì mọi thứ trong game đều diễn ra theo chiều ngược lại.

Cơ chế điều khiển lâu lâu mới hoạt động trơn tru cùng đồ họa, âm thanh, cốt truyện được xây dựng cực kỳ cẩu thả đã đập tan hi vọng của các game thủ về một trò chơi đua xe - hành động chất lượng xuất hiện kể từ sau tượng đài Road rash ngày nào. 

6. Dark

Để làm nên một tựa game hành động bí mật (stealth action) thành công như những tượng đài Metal gear solid hay Splinter cell thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố và tiếc là Dark không thể vươn đến đẳng cấp đó.

Với cốt truyện theo kiểu dễ nhớ dễ quên, A.I tệ hại, hội thoại nhàm chán cùng lối chơi lặp đi lặp lại đến phát ngán, Dark không những không để lại ấn tượng gì mà còn khiến người chơi chuốc thêm bực dọc chỉ vì tò mò nền đồ họa cel-shading của trò chơi. 

7.Flashback

Những tưởng người chơi có thể thưởng thức một bản remake tuyệt vời của tựa game Flashback (SNES, MS-DOS) ngày nào thì bộ đôi VectorCell và Ubisoft lại khiến người hâm mộ thất vọng.

Cách chơi vẫn dựa trên phiên bản năm 1992 với lối đi cảnh màn hình ngang, Flashback 2013 sở hữu cơ chế điều khiển gây ức chế cực kỳ, màn chơi vừa thiếu “lửa” vừa thiếu luôn sức sáng tạo, chuyển động thô cứng cùng hệ thống lồng tiếng tệ hại khiến nó chẳng thể làm “sống lại” phiên bản tiền nhiệm.

Có thể nói, Flashback sẽ gục ngã ngay khi so sánh với những đối thủ cùng thể loại như Shadow complex chẳng hạn. 

8. TMNT: Out of the shadows

Ăn theo series phim truyền hình nổi tiếng về bộ tứ ninja rùa, TMNT: Out of the shadows được phát triển bởi hãng Red Fly Studio là một tựa game trung bình không hơn không kém. Trò chơi mang trong mình rất nhiều khuyết điểm về mặt kỹ thuật như camera khi chiến đấu không ổn định mà rung lắc liên tục, mô hình nhân vật xấu, nhiều lỗi chuyển động xảy ra với các chú rùa. Ngoài ra, A.I khá ngu ngốc khi kẻ thù chẳng buồn chiến đấu với bạn thật sự khiến người chơi chỉ muốn tắt ngay game khi mới vào được vài phút. 

9. NBA live 14

Có một khoảng cách khá xa khi so sánh giữa hai dòng game bóng rổ NBA 2K từ 2K Sports và NBA live của EA Sports. Thế “độc tôn” của NBA 2K là điều dễ nhận thấy khi thể loại bóng rổ chỉ là “sân chơi” của dòng game này từ năm 2010 đến nay.

Năm vừa qua, EA Sports bất ngờ tái ngộ game thủ với NBA live 14 sau khi “buông súng” khá lâu và có lẽ hãng nên “buông” luôn thay vì trở lại. Thật vậy, dù ứng dụng engine Ignite được quảng cáo rầm rộ khi chỉ “chơi” với console next-gen (PS4, Xbox One) thì trò chơi vẫn thất bại toàn diện từ hệ thống vật lý, đồ họa, A.I đến cả cách chơi. Quá nhiều lỗi kỹ thuật khiến người chơi chẳng màng đụng đến game thêm lần nào nữa và có lẽ NBA 2K vẫn sẽ tiếp tục “độc bá” thêm một khoảng thời gian dài.

10. The bureau: Xcom declassified

Nếu như tựa game chiến thuật XCOM: enemy unknown ra mắt rất thành công khi góp phần “hồi sinh” dòng game XCOM nổi tiếng thì The bureau: xcom declassified lại làm vơi đi những nỗ lực ấy.

Mạnh dạn chuyển từ lối chơi chiến thuật theo lượt thuần túy sang phong cách hành động - bắn súng pha chiến thuật nhóm, trò chơi bước đầu hấp dẫn người chơi bởi đồ họa đẹp, âm thanh hay cùng lối chơi bắn súng khá đã tay.

Tuy nhiên, khuyết điểm quá nhiều đã lấn át những ưu điểm vừa nêu như: cốt truyện thiếu chiều sâu, hệ thống điều khiển rắc rối cùng A.I quá máy móc khiến The bureau: xcom declassified trở thành một phiên bản lạc lõng trong toàn bộ dòng game.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.