10 loại bánh mì Sài Gòn đáng phải thử sau khi Google Doodle vinh danh

Giang Vũ
Giang Vũ
26/03/2020 13:46 GMT+7

Google Doodle vừa vinh danh bánh mì Việt Nam ở hơn 10 quốc gia với hình ảnh bánh mì thịt. Thế nhưng, ở Sài Gòn có tới vài chục loại bánh mì khác đáng phải thử và trầm trồ vì sự độc đáo ít nơi có.

Sài Gòn là thiên đường của bánh mì. Theo nhiều ý kiến, bánh mì thịt ở Sài Gòn xuất phát từ người Hà Nội di cư vào đây. Tiệm bánh mì Hòa Mã của bà Nguyễn Thị Tịnh là một trong những tiệm bánh mì đầu tiên ở Sài Gòn. 
Theo nhiều tài liệu tham khảo thì năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Trước khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để phục vụ cho người dân nơi đây.
Từ dòng bánh mì thịt này, Sài Gòn đã dần phát triển ra hàng chục loại bánh mì vô cùng phong phú, với các nhánh bánh mì xuất phát từ Hà Nội, bánh mì thịt đỏ luộc, bánh mì phá lấu, heo quay, xíu mại của người Hoa, bánh mì bì của người Sài Gòn ảnh hưởng từ cơm tấm, bánh mì chả lụa các loại của người Bắc. Gần chục năm nay thì có thêm các loại bánh mì biến tấu vô cùng độc đáo lạ miệng như bánh mì chả cá, bánh mì khô bò, bánh mì thịt nướng, bánh mì cá kho...
Dưới đây là danh sách 10 loại bánh mì ít ỏi đáng phải thử ở Sài Gòn. Vẫn còn hàng chục loại bánh mì Sài Gòn nữa dành cho độc giả Thanh Niên kể thêm.

1. Bánh mì thịt nướng 37 Nguyễn Trãi, quận 1

Xe bánh mì nằm trong hẻm 37 Nguyễn Trãi là nơi ưa thích của du khách khi đến Sài Gòn và cả người Sài Gòn thích vị thịt nướng ăn kèm bánh mì của chị Gái, chủ nhân xe bánh mì. Tuy bà chủ quán từ khi nổi tiếng có hơi kiêu kỳ, nhưng bao nhiêu năm qua, vị bánh mì thịt nướng ở đây vẫn ngon như vậy, từ vị thơm của thịt nướng đến món nước sốt vô cùng đặc biệt không đâu có.

2. Bánh mì Tám Cẩu, 460 Điện Biên Phủ, quận 10

Chị Hà Thị Lượng, chủ nhân của xe bánh mì lâu đời này cho biết: Cha chị họ Hà, người gốc Hoa, còn má quê ở Bình Chánh. Có lẽ món thịt heo luộc làm nên danh tiếng của Tám Cẩu ảnh hưởng khá nhiều từ cách nêm nếm của người Hoa.
Chị Lượng bật mí, làm món thịt luộc theo cách của ba chị rất cầu kỳ. Phải chọn thịt ba rọi cuốn với thịt nách, lựa loại ít mỡ, bó thật chặt rồi luộc đúng một tiếng rưỡi.
Các quán khác bắt chước nhưng ra màu đỏ lòe loẹt mà không đẹp như miếng thịt luộc của Tám Cẩu. Thịt trước khi luộc phải có tỏi giã nát thoa lên để khử mùi thịt. Vì thế miếng thịt khi luộc lên thơm phức và không có mùi tỏi, ăn có vị đậm đà đặc trưng của Tám Cẩu.

3. Bánh mì cụ Lý, hẻm 191 Hai Bà Trưng, quận 3

Trong quyển Sài Gòn 100 quán ngon của Nhà xuất bản Trẻ (1996) đã viết về cụ Lý như sau: "Sau hơn ba mươi năm liên tục bán bánh mì dạo với một giỏ tre lớn và di chuyển bằng xe Mobylette, cụ Lý dừng chân ở đầu hẻm 191 Hai Bà Trưng (quận 3).
Thời đó cụ Lý bán ổ bánh mì kẹp ba loại chả bò, chả lụa và chả bì. Ở trong không có pâté hay đồ chua như thường thấy, mà chỉ gồm những thanh chả ăn cùng với hành tây và dưa leo, rắc lên muối tiêu và xì dầu (nước tương) hay nước mắm tùy theo khách yêu cầu.
Anh Thiện, thế hệ thứ ba nối nghiệp bán bánh mì cụ Lý cho biết: “Cụ Lý bán bánh bánh mì từ những năm 1950, đến khoảng năm 2003 thì nghỉ. Sau đó người bà con cụ Lý là ông Hiếu và con bán, rồi bây giờ đến tôi”. Giờ đây, ổ bánh mì vẫn mang phong cách cụ Lý như thuở nào.

4. Bánh mì Bảy Hổ, 19 Huỳnh Khương Ninh, quận 1

Bánh mì Bảy Hổ đã có mặt từ những năm 30 của thế kỷ trước trên con đường nhỏ Huỳnh Khương Ninh.
Hơn 80 năm trước, ông Trần Văn Hậu, quê gốc ở tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã bán món bánh mì kẹp thịt, pâté và chả lụa ở con đường nhỏ Huỳnh Khương Ninh này.
Nhân của ổ bánh mì này cũng khác lạ và độc đáo, gồm thịt (giò heo) luộc trong gia vị cho thấm, bề ngoài miếng da có màu vàng đẹp mắt, rất giống với món thịt luộc của xe bánh mì Tám Cẩu, có chả lụa, pâté, bơ, củ cải cà rốt ngâm chua, dưa leo, rau ngò... Phong phú hơn nữa là khay nhỏ xíu mại chờ sẵn.

5. Bánh mì 110 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận

Trước đây, tiệm bánh mì này có tên Hồng Hoa 110, nhưng ngày một nhiều cửa hàng nhái tên này nên tiệm lấy luôn số nhà đặt tên cho tiện. Hồng Hoa là tên của chủ quán.
Ổ bánh mì tại đây có phần nhân khá chất lượng, gồm có xúc xích, chà bông, thịt luộc, paté, chả lụa, đồ chua, sốt trứng đặc trưng của Sài Gòn, đồ chua, dưa leo và rau ngò. Sự đặc sắc và tinh tế là do nhà tự làm. Miếng thịt heo luộc ở đây rất chân phương vì không bỏ màu, mềm và ngọt, có lớp mỡ vừa phải để không bị khô. Không hiểu sao, bánh mì Sài Gòn lâu đời thường phải có thịt luộc mới đúng điệu, trong khi bánh mì Hà Nội thường chỉ có các loại chả lụa hay thịt nguội.
Một nét đặc biệt nữa của bánh mì 110 là món xúc xích tự làm, làm từ thịt nạc và thịt mỡ cùng nhiều tiêu hạt, là nét khác lạ so với nhiều nơi bán bánh mì thịt khác ở Sài Gòn.

6. Bánh mì chả cá Bùi Thị Xuân, góc ngã 3 Lương Hữu Khánh - Bùi Thị Xuân, quận 1

Chị Tâm, chủ nhân xe bánh mì cho biết nhiều xe bánh mì chả cá dùng cá ba sa làm nguyên liệu chính, riêng xe bánh mì của chị thì bán chả cá từ Vũng Tàu. Cá thu ảo được tẩm ướp và xay nhuyễn, quết bằng cối rồi ướp bằng đá lạnh để kịp chuyển lên Sài Gòn bán vào buổi chiều. Có lẽ vì vậy mà chả cá ở đây rất tươi và dai. Chả cá chiên lên có vị ngọt dịu cùng một chút nồng nàn của tiêu, rất hợp với khẩu vị của người Sài Gòn.
Ổ bánh mì giòn kẹp chả cá thơm lừng vừa chiên xong, thêm vào một chút hành ngò, dưa chua và tương ớt cho trọn vị. Và đặc biệt là không thế thiếu rau răm như một sự cân bằng âm dương độc đáo. Cắn thử một miếng mới thấy sự khác biệt hoàn toàn so với một ổ bánh mì thịt thông thường - một cách kết hợp quá ư độc đáo.

7. Bánh mì phá lấu Tâm Ký, 823 Nguyễn Trãi, quận 5

Bánh mì phá lấu có nguồn gốc từ người Tiều thuộc cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, trong đó có tiệm Tâm Ký trên đường Nguyễn Trãi, quận 5.
Tại xe bánh mì này, bạn sẽ bắt gặp đủ loại phá lấu, không chỉ gồm các món lòng heo mà còn có thêm chân gà, tàu hũ chiên và cả trứng nữa. Đây là cách ăn rất phổ biến trong cộng đồng người Tiều, với tên gọi quốc tế là "kway chap".
Ở đây phục vụ rất sạch sẽ với những ổ bánh mì luôn nóng giòn nhờ vào lò than ở phía dưới. Có rất nhiều món chua ăn kèm để hãm béo như cải chua, kim chi, củ sen... Bạn có thể mua bánh mì ổ mang về hoặc mua theo cân cho từng món riêng lẻ. Xe bánh mì này đã trải qua ba thế hệ, bán ở ngay khúc đường này từ những năm 60 thế kỷ trước.

8. Bánh mì khô bò, 12 Nguyễn Huy Tự, quận 1

Gỏi khô bò vốn đã là món nức tiếng Sài Gòn, nhưng nghĩ ra cách ăn khô bò với bánh mì thì chắc chỉ có ở xe khô bò đằng lưng sau chợ Đa Kao (quận 01) này. Xe khô bò Phương Liên là một trong những nơi đầu tiên “phát minh” ra món bánh mì kẹp khô bò lạ miệng này sau một thời gian dài bán món cháo lòng ở khu Đa Kao. Sau này, nhiều nơi khác cũng bắt chước kiểu bán này nhưng người ăn quen vẫn thích cất công tới đây vì đã quen vị sau nhiều năm dài.

9. Bánh mì Nguyên Sinh, 141 Trần Đình Xu, quận 1

Nhà hàng Nguyên Sinh bán món bánh mì với thịt nguội (người Hà Nội xưa hay gọi là “cơm Tây”) cho tầng lớp trung lưu hay công chức làm việc cho Pháp từ năm 1942, cũng là một trong những nhà hàng đầu tiên do người Việt mở ở Hà Nội. 
Những năm 80, chủ tiệm bánh mì Nguyên Sinh là ông Nguyễn Văn Miêu đã vào Sài Gòn và mở tiệm bánh mì trên đường Trần Đình Xu. Bánh mì ở đây ăn kèm 7 loại khác nhau: paté gan, xúc xích, giò thủ, giò heo rút xương, thịt hun khói… ăn kèm đồ chua gồm củ cải, dưa leo và cà rốt ngâm chua và bơ ngoại nhập. Ấn tượng nhất phải kể đến món pâté gan heo hay gan gà với một hương vị đặc trưng không thể diễn tả bằng lời, hòa quyện với hương bánh mì để lại một dư vị thật khó tả.
 

10. Bánh mì bì Nguyễn Trãi, đầu hẻm 150 Nguyễn Trãi, quận 1

Một hương vị bánh mì bình dân vô cùng thân thương và độc đáo, đó là bánh mì bì, mô phỏng hương vị của món cơm tấm. Có thể nói vào đầu những năm 90, đây là một trong những xe bánh mì bì đầu tiên và nổi tiếng bậc nhất ở Sài Gòn.
Cách ăn bánh mì bì cũng tương tự với... cơm tấm, tức là quết mỡ hành lên dọc ổ bánh mì, cho bì cùng các loại đồ chua, dưa leo, ngò rồi chan nước mắm lên. Lớp mỡ hành thơm dịu làm "nền" để hương vị đậm đà của nước mắm cùng lớp bì và đồ chua hòa quyện cùng nhau.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.