Sớm chiều bánh mì Sài Gòn: Lót dạ bình dân mùa dịch Covid-19 cùng ký ức

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
26/03/2020 12:46 GMT+7

Ngày Google tôn vinh bánh mì , tôi ngồi trước máy, hí hoáy đọc đủ thứ nói về bánh mì mà khi nhắc đến chắc ai cũng khó quên. Và tôi, cũng có ký ức bánh mì của riêng mình…

Từ ổ bánh mì Caritas…

Ngày ấy, lúc đang lớp tư (bây giờ là lớp 2) năm 1969, tôi học trường tiểu học cộng đồng Nam Quảng Trị. Ngôi trường đầy sân rợp bóng phượng vĩ. Lớp có 32 đứa do thầy Đằng dạy. Thầy hiền lắm và cũng nghiêm lắm. Mãi nhớ cái giọng nhỏ nhẹ của thầy khi đến mỗi giờ ra chơi: “Dũng, đi nhận bánh mì”.
Vậy là thằng Dũng lớp trưởng với 3 đội trưởng (bây giờ là tổ trưởng) lại góc phòng học, mỗi đứa nhặt một cái bao bố nhỏ khoác vai đi nhận. Học trò được phát một ổ mì nhỏ mỗi ngày, kèm với một bịch sữa nóng. Đây là mì và sữa nằm trong chương trình của Caritas, một tổ chức bác ái xã hội của công giáo chuyên làm việc thiện nguyện cho trẻ em vùng chiến tranh.

Ai cũng đồng ý là bánh mì ở đó ngon thật. Ngon đủ để theo suốt cuộc đời, nên nói vậy chẳng ngoa đâu!

Ảnh minh họa: Vũ Phượng

Nhận mì xong, ăn mãi với sữa cũng… hơi ngán, nên tôi và Dũng, với một đứa bạn còn nhớ tên Khiêm, cứ 2 ngày một lần lại loay hoay mở hộp thịt ba lát (là một loại đồ hộp của Mỹ, được phát theo khẩu phần quân tiếp vụ), do Dũng mang theo trong cặp, vì ba Dũng làm ở bộ phận quân nhu, thường hay có mấy thứ này. Mỗi đứa 1 lát thịt, bỏ vô ổ bánh mì, vậy là tung tăng chơi đùa mãi đến chiều tối, khi tan học vẫn còn no…
Những ổ bánh mì ngày ấy, khi nhận về vẫn còn nóng, rất giòn. Chỉ dằm thịt nhét vô. Bỏ ở góc tường, chơi bắn bi, đánh đáo xong một ván, chạy lại gặm một miếng. Say mê với bánh mì và trò chơi thuở nhỏ, cứ như một kỷ niệm theo mãi. Sau này, mới biết, chương trình Caritas chọn bánh mì và sữa để “nuôi dinh dưỡng” cho “sắp nhỏ” là có lý do của họ…
Bánh mì, còn nữa trong thơ tôi, khi hồi tưởng về những ngày ở Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) với một người bạn. Những năm ly loạn bởi chiến tranh ấy, hầu như khu tạm cư nào bố trí cho dân chạy dạt về từ vùng chiến tranh cũng đều có một số người nhận bánh mì từ các lò bánh ở Ngã ba Thanh Khê, ngã tư Cẩm Lệ hay xung quanh chợ Cồn để đi bán vào mỗi sáng sớm. Bánh mì là món tiện lợi nhất cho những lúc người ta cập rập ngược xuôi với đủ thứ việc thời chiến.

Bánh mì Sài Gòn ngày nay

Vũ Phượng

“Năm ấy ổ bánh mì tôi được ba mua cho ở Hòa Khánh
nóng giòn nhưng có cơn gió rét lùa qua
lạnh tới chân da…”
(Vĩ thanh mùa đông)
Hình ảnh của những người bán bánh, khoác chiếc bao bố dày trên vai, dọc theo những con đường trong sương sớm, nhất là buổi gió mùa đông bắc lùa về nghe ngọt cả giọng rao, thì lúc ấy bánh mì Đà Nẵng càng được ủ nóng hơn, giòn hơn và rất ngon.
Nhiều người khi nghe tôi nhắc thường nói rằng kỷ niệm ấu thơ lúc nào cũng đẹp, món ăn thuở nhỏ khi nào nhớ lại cũng ngon. Nhưng không chỉ vậy, vì vài năm trước, khi đọc một bài viết về bánh mì của một nữ đồng nghiệp ở Đà Nẵng ít hơn chục tuổi, cô ấy mô tả chi tiết những hương, những vị và cái độc đáo của món nước chan của những xe bánh mì ở Đà Nẵng thuở ấu thời, ai cũng đồng ý là bánh mì ở đó ngon thật. Ngon đủ để theo suốt cuộc đời, nên nói vậy chẳng ngoa đâu!

… đến bánh mì sớm chiều Sài Gòn

Những ngày lang thang qua phố, tôi để ý nhận ra một điều: không có nơi nào bán nhiều bánh mì như ở Sài Gòn. Bánh mì từ lâu đã thành một món ăn “hạp vị” và tiện lợi với cung cách sống năng động của người thành phố phương Nam. Bánh mì với nhân nhụy đủ thứ cũng có, bánh mì không cũng có và đủ hình dạng được “chế” ra theo chủ ý hoặc sở thích của chủ lò cũng có.
Nhưng, ngày xa xưa ấy cái tiệm bánh mì với một chiếc xe nhỏ, có hai sọt bánh nằm chếch góc ngã tư Hàng Xanh, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, là nơi tôi ghé mua ăn lót dạ thường xuyên. Khác với bánh mì ổ bự, bán dọc theo những con đường để người ta mua về làm quà cho con cháu, tiệm bánh mì ở đây chỉ mở bán vào lúc xế chiều.

Gõ vào Google với chỉ 4 chữ “bánh mì Sài Gòn” là có thể thấy hàng chục tiệm ngon đến mức có… “số má"

Vũ Phượng

Tầm 4 giờ, 2 thanh niên vạm vỡ đẩy chiếc xe nhỏ ra, trên đó đã chuẩn bị đủ thứ. Cái đặc biệt của cửa tiệm di động ấy, ngoài chuyện ổ bánh mì hơi nhỏ, lúc nào cũng giòn, là ai ghé mua cũng chuộng món bánh mì cá. Có vài người hôm ấy tôi tạt vào mua, hỏi vu vơ vài câu, họ đều bảo rằng bánh mì cá ở đây ngon nhất, bởi nhân cá mà không phải là cá, vì rất ít nghe mùi cá.
Hương vị độc đáo của ổ bánh mì nhỏ, thơm và giòn quyện với vị của cá, của nước chan và các loại rau xắt nhỏ, thêm một chút pa tê được “điều chế” từ loại gan heo được chọn lọc miết theo chiều dài ổ bánh, đã khiến cho bao người khó bỏ. Vì vậy, nó nổi tiếng và lâu đời, qua hàng chục năm được mặc định thành danh luôn là bánh mì Hàng Xanh. Có người cho biết, dù đã chuyển chỗ ở quanh Sài Gòn đến 5, 6 lần, kể cả lúc về ở nơi xa nhưng khi có dịp ngang qua, họ lại ghé mua về thưởng thức!
Để nói rằng, mỗi tiệm mỗi vị đã làm nên sự phong phú đa dạng, để khi gõ vào Google với chỉ 4 chữ “bánh mì Sài Gòn” là có thể thấy hàng chục tiệm ngon đến mức có… “số má”. Vì vậy, có trưa tôi xách xe chạy qua bánh mì H.H trên đường Lê Thị Riêng (Q.1) để mua một ổ sau khi chịu khó xếp hàng, để thỏa cơn thèm.
Lại có khi, gần cơ quan trên đường Võ Văn Tần, ghé tiệm bánh mì S.M kêu ổ bánh mì chả, thêm chút nước chan và dặm ít ớt xanh cay nồng hoặc có khi là bánh mì cá mòi, ấy là lúc cảm xúc bánh mì trong tôi… “thăng hoa”.
Mở thêm vài bản nhạc mình thích, một buổi trưa sẽ trôi qua trong sự thấm đẫm vị truyền thống gần trăm năm qua, bánh mì tồn tại và phát triển ở đất Sài Thành!
Mới thấy, cái sự dụng công của cô họa sĩ Olivia Huynh và nhóm của mình, đã sáng tạo bức tranh động GIF mô tả bánh mì của Việt Nam trên Google Doodle, nếu không xuất phát từ lòng… “yêu dấu” bánh mì đến độ thành một sự tôn vinh, khó mà đẩy đưa những nét vẽ độc đáo đến dường ấy.
Khi xem qua bức hình, cảm xúc của riêng tôi vẫn quyện vào ký ức và hiện tại, cứ muốn thốt nên một lời: tôi yêu… bánh mì! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.