Vợ chồng Sài Gòn làm ổ bánh mì 'khổng lồ' mừng Google tôn vinh bánh mì Việt

24/03/2020 12:00 GMT+7

Cặp vợ chồng Sài Gòn đã làm 2 ổ bánh mì với kích thước gấp 10-12 lần so với ổ bánh mì bình thường để kỷ niệm ngày bánh mì được đưa vào từ điển Oxford và sự kiện Google tôn vinh bánh mì Việt .

Nhân kỷ niệm năm thứ 9 mục từ “bánh mì” được từ điển Oxford ghi nhận (24.3.2011-24.3.2020) và sự kiện Google Doodle tôn vinh bánh mì Việt ở 12 quốc gia trên thế giới, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đồng hành cùng Google tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh để giới thiệu rộng rãi hơn đến bạn bè và du khách quốc tế về nét đặc sắc của bánh mì Việt Nam – bánh mì Sài Gòn thông qua tuần lễ “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn” từ ngày 24.3 đến ngày 31.3.
Tuần lễ “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn” cũng được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp du lịch, thương hiệu bánh mì và các doanh nhân, văn nghệ sĩ.

Bánh mì "khổng lồ"

Ông Đặng Hải Vân, Chủ tiệm bánh mì Hồng Hoa (Q.1, TP.HCM) cho biết nghề bánh mì của gia đình ông là nghề cha truyền con nối. Sau khi kế thừa nghề từ cha, đến nay, ông đã bán bánh mì được hơn 30 năm. 

Doodle bánh mì Việt Nam xuất hiện trên trang chủ Google hơn 10 quốc gia

Mỗi ngày, tiệm bánh mì của ông bán từ 5.000 - 6.000 ổ bánh mì. Trong mùa dịch này, số lượng bánh mì bán ra có giảm nhưng không đáng kể.
Sáng 24.3, sau khi cùng vợ làm xong ổ bánh mì "khổng lồ", ông Vân háo hức chia sẻ: "Bản thân tôi làm lò nhiều năm, anh em thợ cũng vậy. Hôm nay, với chúng tôi giống như ngày của nghề nên chúng tôi đã làm ổ mì khối lượng to hơn, nhìn lạ hơn, cũng đẹp mắt hơn để ăn mừng".
Sau đó, ông Vân đã xẻ ổ bánh mì "khổng lồ" thành nhiều phần nhỏ để tất cả anh em trong tiệm cùng nhau ăn và mời cả khách đến mua cùng thưởng thức.

Bánh mì là món ăn quen thuộc của người Sài Gòn và du khách khi đến TP.HCM

Ảnh: Vũ Phượng

Ổ bánh mì đặc biệt ở Hồng Hoa có giá 40.000 đồng

Ảnh: Lê Nam

Ông Vân cho hay, ổ bánh mì "khổng lồ" có khối lượng hơn 1kg, chiều dài 70cm và ngang hơn 20cm. Vì là ổ bánh mì "khổng lồ" nên thời gian nướng cũng lâu hơn so với các ổ mì bình thường khác. Để bánh mì giòn, đặc ruột ông đã phải canh nhiệt độ và điều chỉnh suốt quá trình nướng.
"Bánh mì khổng lồ hơi kén khách nên lâu lâu có khách đặt chúng tôi mới làm. Hôm nay thì không ai đặt nhưng chúng tôi làm rồi mời mọi người cùng chung vui", ông Vân tâm sự.
Cũng theo ông Vân, ổ bánh mì Sài Gòn được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt.

Ông Vân xẻ bánh mì mời mọi người cùng thưởng thức

Ảnh: Vũ Phượng

Ổ bánh mì thịt ở tiệm của ông Vân lúc nào cũng giòn vì được nướng trực tiếp tại tiệm, có vị ngọt của bột mì, vị béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa tê đều là những món nhà tự làm nên bao năm hương vị vẫn không lẫn vào đâu.

'Bánh mì Sài Gòn cởi mở như người Sài Gòn'

Trong sáng 24.3, lãnh đạo Sở Du lịch đã cùng thưởng thức bánh mì Sài Gòn và cà phê tại hệ thống cà phê Ông Bầu nhân kỷ niệm ngày bánh mì được Google vinh danh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận xét, bánh mì Sài Gòn không phải chỉ là một món ăn mà là văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn như tính cách của con người Sài Gòn. Ông Vũ cũng cho hay bản thân ông đã bị thuyết phục bởi bánh mì Sài Gòn từ những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất này từ năm 1992. 

Lãnh đạo Sở Du lịch thưởng thức bánh mì, cà phê cùng ông Võ Quốc Thắng

Ảnh: Vũ Phượng

"Bánh mì đại diện cho sự cởi mở để dung nạp những điều tốt đẹp nhất, những tinh hoa ẩm thực của nhiều vùng miền và thế giới. Bánh mì không phải xuất phát từ người Sài Gòn, được du nhập từ phương Tây nhưng bằng sự sáng tạo, khéo léo và tinh tế, người Sài Gòn đã làm cho ổ bánh mì trở thành sản phẩm riêng có và độc đáo của mình… Có thể ví von như tính cách của người Sài Gòn, đơn giản nhưng sâu sắc, cởi mở nhưng rất riêng trong tiếp nhận những điều tốt đẹp đó", ông Vũ bày tỏ.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, bà là người gốc Huế nhưng khi vào Sài Gòn thì cảm nhận được lối sống của người Sài Gòn rất cởi mở, từ đó cảm nhận được văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn gắn với tính cách đó.
Bà Thúy cũng cho rằng, bánh mì Sài Gòn có nhiều loại nhân khác nhau, đáp ứng khẩu vị của từng người khác nhau, giống như sự cởi mở của người Sài Gòn nói riêng, người Việt Nam nói chung, đón nhận những tinh hoa và sáng tạo tạo nên những món ăn, không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn là giá tị tinh thần.
"Trong ký ức của cá nhân mình, bánh mì gắn với cả tuổi thơ, cho đến bây giờ, bánh mì gắn với giá trị của lối sống và là món ăn nhanh, ngon, tiện lợi, luôn gợi nhớ đến văn hóa của người Việt Nam, người Sài Gòn - TP.HCM", bà Thúy tâm sự.

Người Sài Gòn xếp hàng mua nước tặng bánh mì

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng), Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên sáng lập cà phê Ông Bầu lại cho biết, một tuần ông ăn tới 5 - 6 ổ bánh mì vì bánh mì là món rất đơn giản, dễ ăn. "Ngay cả những người bạn quốc tế qua đây làm việc với tôi, thay vì làm việc một ngày buổi trưa họ đề nghị anh Thắng có thể cho chúng tôi ăn vài ổ bánh mì buổi trưa được rồi cho nó nhanh, gọn mà ngon. Thậm chí, những người bạn tôi đi nước ngoài ăn ổ mì chụp hình gửi qua cho tôi xem, tôi nghĩ họ rất thích thú với món ăn Việt Nam đặc biệt là bánh mì", ông Thắng kể.

Tuần lễ tôi yêu bánh mì Sài Gòn

Trong tuần lễ "Tôi yêu bánh mì Sài Gòn" lần này, Sở Du lịch đã phối hợp với nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và Brandbeats Music Agency thực hiện ca khúc “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”. Clip bài hát này được lần đầu giới thiệu trong ngày 24,3 trên nhiều kênh trong đó có trang fanpage và website chính thức của Sở Du lịch TP.HCM.
Các hoạt động khác hưởng ứng sự kiện này cũng được nhiều người Sài Gòn hào hứng đón nhận như: chương trình “mua cà phê tặng bánh mì” trong tất cả các chi nhánh của hệ thống quán cà phê thương hiệu “Ông Bầu” vào ngày 24.3.

Nhiều tiệm bánh mì ở TP hưởng ứng sự kiện tuần lễ Tôi yêu bánh mì Sài Gòn

Ảnh: Vũ Phượng

Chương trình đặc biệt phục vụ bánh mì tại nhiều khách sạn trên địa bàn TP trong các buổi ăn sáng và có khu vực trưng bày, giới thiệu “Bánh mì Sài Gòn” như khách sạn Rex, Grand Hotel Saigon, Pullman, Caravell, Continental hotel...
Một số tiệm bánh mì nổi tiếng của Sài Gòn như Hồng Hoa, Bánh mì Tuấn Mập, Bánh mì Bảy Hổ, Bánh mì tươi… có các chương trình quảng bá, giới thiệu bánh mì Sài Gòn với nhiều hình thức.
Trong khi đó, các văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia blogger, người nổi tiếng trong nước và quốc tế như Hoa hậu H’Hen Niê sẽ giới thiệu bánh mì Sài Gòn đến công chúng trong nước và nước ngoài trên các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube.

Bánh mì Sài Gòn có những đặc trưng riêng biệt, trở thành nét văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn

Ảnh: Vũ Phượng

Ngoài ra, ứng dụng Go-Viet và Now.vn của Foody sẽ giới thiệu chiến dịch Tôi yêu bánh mì Sài Gòn trên hệ thống của mình. Người dân và du khách có thể đặt mua bánh mì giao tận nhà không cần đi ra ngoài để tránh tụ tập mùa dịch Covid-19 lại được hưởng các ưu đãi qua hai ứng dụng này.
Cùng chiến dịch ý nghĩa này, Sở Du lịch kêu gọi các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng, người dân trên cả nước và khách du lịch quốc tế chung tay hưởng ứng chia sẻ tình yêu của mình đối với bánh mì Sài Gòn cùng với thông điệp “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn” “I really love Bánh mì Sài Gòn” trên các trang cá nhân, tổ chức mình với hashtag: #Toiyeubanhmisaigon, #vibranthochimincity #vibranteverywhere,everyone
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.