10 năm xây dựng nông thôn mới, trên 50% xã đạt chuẩn

Trần Thanh Phong
Trần Thanh Phong
15/09/2019 15:19 GMT+7

10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có 874 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sáng 14.9, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) kết hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết CTMTQG về xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2010 - 2020.
Báo cáo một số kết quả nổi bật 10 năm thực hiện CTMTQG về xây dựng nông thôn mới vùng ĐNB và ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cho biết, hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển toàn diện cả về số lượng và được nâng cấp rõ rệt về chất lượng; gần 100% số xã có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa. Về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô lớn, thứ hạng cao không chỉ trong nước mà vươn tầm thế giới. Trong đó, vùng ĐNB nổi bật là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học trên quy mô lớn (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai). Toàn vùng đã hình thành 404 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, với 160 sản phẩm; có 48 thương hiệu nông sản.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL đã theo đúng hướng sang “thủy sản - trái cây - lúa”, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, nâng cao giá trị gia tăng.

Theo ông Doanh, cả 2 vùng có 874/1.731 xã (chiếm 50,49%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của 2 vùng đều thấp hơn so mới cả nước. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình từ 2010 - 2019 của 2 vùng khoảng 932.498 tỉ đồng (chiếm khoảng 40% của cả nước). Trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp 79.553 tỉ đồng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả xây dựng nông thôn mới của 2 vùng ĐNB và ĐBSCL. Tuy nhiên, Phó thủ tướng chia sẻ, việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng, liên kết các khu vực kinh tế; việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm còn chậm, những thách thức từ biến đổi khí hậu đối với sự phát triển nhanh và bền vững, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Phó thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến về mục tiêu xây dựng nông thôn mới của vùng trong thời gian tới. Phó thủ tướng nói, Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương quyết định các tiêu chí nông thôn mới. Phó thủ tướng cũng “đặt hàng” các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển đô thị và vùng nông thôn ĐBSCL trên tinh thần thích ứng với biến đổi khí hậu; tính toán việc xây dựng thôn, ấp nông thôn mới; kiến nghị tới Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh định mức phân bổ đầu tư hạ tầng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL để phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững gắn với công nghiệp, dịch vụ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.