Thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc đứng đầu danh sách này, với mức tăng trưởng 14% mỗi năm. Tiếp theo sau lần lượt là Quảng Châu (13,1%), Thượng Hải (12,8%), Bắc Kinh (12%), Thành Đô (11,2%), Manila (10,9%), Delhi (10,8%), Thâm Quyến (10,7%), Kuala Lumpur (10,1%) và Jakarta (10%).
“Sự tăng trưởng hai con số mà chúng ta thấy ở các thành phố kể trên rất ấn tượng, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc. Thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc là động lực đứng sau sự tăng trưởng du lịch của các thành phố như Trùng Khánh và Quảng Châu”, bà Gloria Guevara, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hội đồng Du lịch Thế giới, nói với CNBC.
Theo CNBC, kết quả xếp hạng này được thực hiện trên 65 thành phố trên thế giới, với các yếu tố đánh giá bao gồm số lượng khách du lịch ghé thăm và chi tiêu của du khách. 21 trong tổng số các thành phố được nghiên cứu nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dựa theo số liệu của Cơ quan Du lịch Quốc gia Trung Quốc, có khoảng 138 triệu lượt khách đã đến Trung Quốc vào năm 2016, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. “Ngành du lịch Trung Quốc đang chứng kiến một sự bùng nổ tuyệt vời”, ông Jim Qian, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Fosun (Trung Quốc), cho hay.
Đại lục là quê hương của một số thành phố du lịch lớn nhất thế giới. Thượng Hải không chỉ đón lượng lớn du khách, mà sự đóng góp của du lịch tại đây cho GDP đất nước cũng rất đáng kể. “Sự thống trị của thị trường Trung Quốc, bao gồm cả tăng trưởng tương lai và quy mô tổng thể về điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là rất rõ ràng”, trích báo cáo của Hội đồng Du lịch Thế giới.
Bên cạnh Trung Quốc, báo cáo mới cũng nêu ra các nguồn tăng trưởng du lịch tiềm năng khác ở châu Á như Singapore. Ngành công nghiệp này đã tạo ra 164.000 việc làm tại đảo quốc sư tử.
Bình luận (0)