100 ngày chiến sự Hamas - Israel đỏ lửa

15/01/2024 09:45 GMT+7

Xung đột Hamas - Israel đã trải qua 100 ngày, khiến hơn 1.200 người Israel và gần 24.000 người Palestine thiệt mạng nhưng đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Ngày 7.10.2023, lực lượng Hamas tại Dải Gaza bất ngờ tấn công miền nam Israel, khiến 1.200 người chết và bắt 250 con tin. Khoảng 6.900 người khác bị thương sau các cuộc tấn công từ đó, theo số liệu của quân đội Israel. Đây là cuộc tấn công chết chóc nhất trong lịch sử Israel, theo Politico.

100 ngày chiến sự Hamas - Israel đỏ lửa- Ảnh 1.

Người dân tại thành phố Ashkelon của Israel sau vụ tấn công ngày 7.10.2023

REUTERS

100 ngày lửa đạn

Israel sau đó tuyên bố chiến tranh với Hamas, phong tỏa Dải Gaza và mở chiến dịch quân sự để "xóa sổ" lực lượng này, đồng thời giải cứu con tin. Hàng trăm ngàn người dân sống tại miền bắc Gaza được yêu cầu sơ tán xuống phía nam, giáp với Ai Cập. Ngày 27.10.2023, Israel chính thức mở chiến dịch trên bộ tại miền bắc Dải Gaza.

Cột mốc 100 ngày đau thương trong xung đột Hamas-Israel

Đến ngày 21.11.2023, đợt ngừng bắn đầu tiên bắt đầu để hai bên trao đổi tù nhân và con tin, cho phép cung cấp hàng viện trợ. Ngày 4.12.2023, vài ngày sau khi đợt ngừng bắn kết thúc, Israel mở cuộc tấn công lớn trên bộ tại miền nam Dải Gaza trong giai đoạn mới của xung đột.

100 ngày chiến sự Hamas - Israel đỏ lửa- Ảnh 2.

Lực lượng Israel bắn pháo từ miền nam nước này qua Dải Gaza hồi tháng 10.2023

AFP

Đến ngày 26.1.2023, Israel khởi động chiến dịch lớn trên bộ tại miền trung Gaza. Đầu năm 2024, Israel gợi ý sẽ rút bớt binh sĩ khỏi Gaza để tiến hành giai đoạn chiến sự mới với các mục tiêu cụ thể hơn.

Trong quá trình xung đột Hamas - Israel diễn ra, lực lượng Hezbollah tại Li Băng cũng thực hiện các cuộc tấn công qua biên giới Israel, khiến nước này đáp trả.

Houthi thề ‘đáp trả mạnh mẽ’ sau cuộc tấn công mới của Mỹ

Hôm 11.1, quân đội Mỹ và Anh triển khai đợt không kích đầu tiên vào lực lượng Houthi tại Yemen sau nhiều vụ tấn công của lực lượng này nhắm vào tàu hàng tại biển Đỏ. Houthi đã tuyên bố sẽ nhắm vào các tàu liên quan Israel cho đến khi ngừng bắn tại Dải Gaza và Israel chấm dứt phong tỏa vùng đất này.

Nơi không thể sống

100 ngày chiến sự Hamas - Israel đỏ lửa- Ảnh 3.

Người đàn ông ngồi bên hiện trường vụ không kích của Israel tại khu trại tị nạn Jabalia ở miền bắc Dải Gaza

REUTERS

Sau 100 ngày chiến sự, cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết ít nhất 23.968 người thiệt mạng (khoảng 1% dân số Dải Gaza) và hơn 60.000 người khác bị thương trong cuộc đáp trả của Israel. Khoảng 45-56% số tòa nhà tại Gaza bị phá hủy hoặc thiệt hại. Xấp xỉ 140 con tin còn bị giam tại Dải Gaza.

Hơn 80% dân số Gaza mất nơi ở và phải di tản, hàng chục ngàn người đang sống chen chúc trong các khu lều trại ở miền nam Dải Gaza. Tại Bờ Tây, bạo lực cũng leo thang và phía Palestine nói rằng ít nhất 297 người đã thiệt mạng từ ngày 7.10.2023.

Người dân Gaza đau đớn giữa cảnh chết chóc

Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 1/4 dân số Gaza đang bị đói. Chỉ 15 trong số 36 bệnh viện tại vùng đất này còn hoạt động một phần. Trẻ em không được đến trường và chưa thấy tương lai có thể đi học trở lại. "Gaza đã trở thành nơi không thể sống", Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths đánh giá.

Tương lai mờ mịt

100 ngày chiến sự Hamas - Israel đỏ lửa- Ảnh 4.

Lực lượng Israel tại Dải Gaza trong ảnh được công bố ngày 14.1

REUTERS

Trong lúc chiến sự kéo dài và số người chết tăng cao, triển vọng về việc ngừng bắn và những điều kế tiếp vẫn chưa rõ ràng. Quân đội Israel thừa nhận các mục tiêu tại Dải Gaza là phức tạp và sẽ mất thời gian dài để đạt được.

Israel tuyên bố Hamas không thể giữ vai trò gì trong tương lai của Dải Gaza trong khi phong trào này gọi điều đó là ảo tưởng. Mỹ và các bên khác muốn khôi phục quyền quản lý Dải Gaza của Chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo và tiến tới giải pháp hai nhà nước nhưng Israel phản đối.

Thủ tướng Israel làm rõ mục tiêu chiến tranh ở Gaza

Israel muốn duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại Dải Gaza nhưng Mỹ không muốn nước đồng minh tái chiếm đóng vùng lãnh thổ này.

Mặt khác, việc tái thiết sẽ phải mất nhiều năm nhưng chưa rõ ai sẽ chi trả cho điều đó và nguồn vật liệu sẽ được đưa vào bằng đường nào. Với số nhà cửa bị phá hủy quá lớn, cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong quá trình tái thiết cũng là vấn đề nan giải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.