Hôm qua (25.4), TAND tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử 2 bị cáo Lâm Văn Liêu (53 tuổi, ngụ xã Trà Vong, H.Tân Biên) và Huỳnh Thị Rảnh (58 tuổi, ngụ P.4, TP.Tây Ninh), cùng bị truy tố về tội sử dụng mạng internet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Theo cáo trạng, từ tháng 9.2010 đến tháng 2.2012, Lâm Phúc Hùng cùng Nguyễn Thị Ái Dân thành lập Công ty CP TM Diamond Holiday (trụ sở đặt tại Hà Nội) do Dân làm chủ tịch HĐQT, sau đó đổi thành Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á do Hùng làm tổng giám đốc. Công ty của Dân và Hùng mở chi nhánh trên khắp cả nước, được quảng bá hoạt động theo hình thức của Công ty Diamond Holiday Travel (gọi tắt là Công ty DHT, trụ sở tại Mỹ) gồm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với sản phẩm là gói dịch vụ đặt phòng đi du lịch (4 ngày 3 đêm cho 2 người tại các khách sạn hoặc khu resort từ 3 - 5 sao ở VN và các quốc gia khác trên thế giới) thuộc hệ thống đối tác của Công ty DHT, phí trọn gói cho chuyến du lịch (cả tiền phòng) là 375 USD/người.
Phiên tòa kỷ lục, nạp tiền thật lấy tiền ảo với 600 bị hại
Dưới hình thức môi giới dịch vụ đặt phòng du lịch, hàng ngàn người đã nạp tiền trên hệ thống mạng internet của Công ty Diamond Holiday để được nhận thưởng từ 1.000 - 15.000 USD…tiền ảo.
Nạp tiền thật, nhận tiền ảo
Người tham gia hệ thống phải nộp phí (quy đổi ra tiền Việt) vào tài khoản ngân hàng của Công ty Diamond Holiday của Dân, Hùng, sau đó được quy ra tiền ảo trên mạng internet. Cứ mỗi người tham gia mới sẽ giới thiệu và bảo trợ cho 2 người tham gia sau; mỗi người sau giới thiệu theo cấp nhân đôi, khi nào đủ số lượng 15 người tham gia thì người ở vị trí đầu tiên (gọi là trưởng bàn vàng) được thưởng 1.000 USD tiền ảo vào ví điện tử trên mạng internet và được chuyển sang bàn đỏ. Đến khi bàn đỏ đủ 64 người thì người đứng đầu được thoát khỏi bàn và được thưởng 15.000 USD (gồm 10.000 USD tiền ảo và 1 tấm séc đi du lịch trị giá 5.000 USD).
Trường hợp muốn lấy tiền thật, các thành viên tham gia phải bán số tiền ảo trên cho những người cùng tham gia trong hệ thống hoặc những người mới tham gia. Đến ngày 25.2.2012, Hùng và Dân bị bắt và xử lý tại Hà Nội.
Tại Tây Ninh, Liêu và Rảnh biết được mô hình hoạt động của các công ty trên nên đã tham gia, sau đó vận động nhiều người cùng tham gia. Ngày 26.9.2014, Liêu và Rảnh bị bắt tạm giam tại Tây Ninh. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 10.2010 đến tháng 5.2012, tổng cộng có 544 người nộp cho Liêu hơn 6,6 tỉ đồng để mua gói dịch vụ của Công ty DHT. Phần Rảnh, tính từ tháng 9.2010 đến tháng 3.2012, đã có 627 người nộp hơn 10 tỉ đồng.
Hội thảo và những màn “trao thưởng” trăm ngàn đô
Theo trình bày của nhiều bị hại tại phiên tòa hôm qua, điểm chung là trước khi họ nạp tiền tham gia vào hệ thống thường được một người môi giới (là người quen biết ở địa phương) mời dự buổi tiệc mừng nhận thưởng 1.000 USD. Tuy nhiên, khi đóng tiền thì đợi mãi không được thoát bàn để nhận tiền hay đi du lịch, mà còn bị dụ phải đóng thêm tiền.
Bà N.T.H (60 tuổi, ngụ xã Thành Tây, H.Tân Biên) kể năm 2011, bà được một người quen trong xóm tìm đến nhà nhờ làm địa điểm để tổ chức ăn mừng vì vừa nhận được 1.000 USD từ việc tham gia Công ty DHT. Được người này giới thiệu, bà H. gom hết tiền tiết kiệm, vàng vòng để tham gia 3 mã số với số tiền khoảng 24 triệu đồng. Thế nhưng đợi mãi chẳng thấy nhận được tiền USD như lời hứa. Nhiều lần hỏi thì bà H. được môi giới bày nạp thêm 2 mã số nữa sẽ được thưởng 1.000 USD thật. Tưởng thật, bà vay mượn tiền tham gia thêm 3 mã số nữa, nâng tổng số tiền phí lên 66 triệu đồng, để rồi mất hết.
|
Trong khi đó, bà Phạm Thị Định (53 tuổi, ngụ xã Tân Bình, H.Tân Biên) cho biết tham gia hệ thống của DHT do người quen giới thiệu. “Họ hứa với tôi tham gia 1 sẽ lời 2, 2 lời 4 cứ thế nhân đôi chỉ trong vài tháng, nếu đồng ý tham gia thì được đưa đi dự các cuộc hội thảo tại Tây Ninh và TP.HCM”, bà Định kể và cho biết tại các cuộc hội thảo này, những người tổ chức đều thao thao về những giải thưởng khủng. “Họ lồng ghép chương trình trao thưởng cho các thành viên với số tiền lên đến 100.000 USD. Chính vì tin tưởng số tiền thưởng có thật nên tôi cùng nhiều thành viên khác rủ thêm nhiều người trong gia đình tham gia”, bà Định nói.
Tại phiên tòa, khi được HĐXX công bố thông tin công ty của Hùng và Dân quy định “Trong vòng 12 tháng, nếu người tham gia không tìm được người chơi mới thì sẽ mất số tiền đã đóng” thì toàn bộ những bị hại tham dự bàng hoàng vì quá sốc! Theo họ, các môi giới khi mời họ tham gia không hề nói quy định này. Đứng nép một góc ở dãy bàn đầu tiên trong khán phòng xét xử, cụ bà Đinh Thị Mà (79 tuổi, ngụ xã Tân Bình, H.Tân Biên) run rẩy trình bày với HĐXX về việc cụ đã đóng 8 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của bị cáo Liêu gần 4 năm trước. Đó là toàn bộ số tiền mà cụ sống tằn tiện nhiều năm từ việc hưởng chế độ gia đình có công với cách mạng. “Tôi gom hết tiền đóng cho Liêu với hy vọng đẻ ra số tiền lớn để dưỡng già như lời Liêu nói. Tôi không hề được biết nếu không kiếm được người mới sẽ mất toàn bộ số tiền trên”, cụ Mà rưng rưng nói.
Trả hồ sơ làm rõ nhiều bị hại chưa được đề cập
Do số lượng bị hại có mặt tại phiên xét xử ngày 25.4 lên đến gần 400 người nên khán phòng (chỉ tối đa chứa hơn 100 chỗ ngồi) không đủ chứa. Các bị hại phải chen chúc, đứng, ngồi tràn ra cả hành lang để theo dõi, trong khi thời tiết Tây Ninh nắng nóng gần 400C, khiến mọi người mồ hôi nhễ nhại. Đến đầu giờ chiều, trong lúc tiến hành xác minh đối với các bị hại và thẩm vấn bị cáo, HĐXX đã hội ý và ký quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh.
HĐXX cho rằng quá trình điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy tổng số tiền 2 bị cáo nhận được không chỉ do các bị cáo lôi kéo, rủ rê mà thông qua nhiều người khác. Đồng thời HĐXX cũng yêu cầu Viện KSND tiếp tục điều tra làm rõ vì vẫn còn nhiều bị hại chưa được triệu tập làm việc để xác định tổng số tiền 2 bị cáo trên đã chiếm đoạt. Ngoài ra, số tiền các bị cáo cũng đã có chuyển cho công ty mẹ tại Hà Nội. Do đó cần phải làm rõ trách nhiệm đối với công ty này và những người liên quan về bồi thường thiệt hại và xử lý số tiền thu lợi bất chính...
|
Bình luận (0)