11 biện pháp giúp trẻ em an toàn trong kỳ nghỉ hè

30/05/2024 11:28 GMT+7

Nghỉ hè, trẻ em không phải đến trường, trong khi người lớn vẫn phải đi làm để mưu sinh. Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn cho trẻ trong dịp hè, lực lượng PCCC và CNCH Công an Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã đưa ra 11 giải pháp.

Theo chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội), qua thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, trong đó phần lớn là do các tai nạn trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: Bỏng, ngã, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc... Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em sau tai nạn phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời. 

11 biện pháp giúp trẻ em an toàn trong kỳ nghỉ hè- Ảnh 1.

Trang bị cho trẻ kỹ năng sơ cứu người bị nạn

C.T

Kỳ nghỉ hè năm nay vừa đến, trẻ em không phải tới trường còn cha mẹ vẫn phải đi làm. Vì thế, nguy cơ tai nạn sự cố đối với trẻ em càng trở nên hiện hữu.

Nghỉ hè - niềm vui của trẻ, nỗi lo của cha mẹ

Mặc dù chỉ mới đầu hè nhưng gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em tại các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, từ ngày 31.5 đến ngày 1.9 hàng năm, hàng triệu trẻ em sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng, điều này càng làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn thương tích làm nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Khi trẻ được nghỉ hè thì cha mẹ vẫn phải đi làm, nên không thể giám sát trẻ thường xuyên được, nguy cơ xảy ra các tai nạn như trên đối với trẻ ngày càng cao. Do đó, ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính trị, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình. Tuy vậy, đối với nhiều gia đình, do kinh tế eo hẹp, công việc bận rộn mà nhiều bậc cha mẹ còn lơ là trong việc trang bị kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, chưa quan tâm xây dựng môi trường an toàn cho con em khi ở nhà.

11 biện pháp giúp trẻ em an toàn trong kỳ nghỉ hè- Ảnh 2.
11 biện pháp giúp trẻ em an toàn trong kỳ nghỉ hè- Ảnh 3.
11 biện pháp giúp trẻ em an toàn trong kỳ nghỉ hè- Ảnh 4.

Trang bị kỹ năng PCCC cho trẻ em

C.T

Trong khi đó, tai nạn thương tích xảy ra đa số xung quanh nhà và trong khuôn viên nhà, nhiều nhất là vấn đề đuối nước khi trẻ đùa nghịch gần khu vực ao, hồ sông, suối và tiếp xúc với các dụng cụ đựng nước như chum, vại, hay bị trượt ngã trong nhà vệ sinh… Bên cạnh đó, các em bé có thể nghịch lửa hoặc các thiết bị điện gây cháy, chọc que vào ổ điện, leo trèo, đùa nghịch gần khu vực ban công cao tầng, ô thoáng, tiếp xúc với chất tẩy rửa, uống nhầm các loại thuốc của người lớn không phù hợp với trẻ… Trong gia đình mình, các bậc cha mẹ thường chủ quan đây là môi trường an toàn nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Để hạn chế những sự cố nêu trên đối với trẻ nhỏ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Q.Nam Từ Liêm khuyến cáo các bậc cha mẹ 11 biện pháp đảm bảo an toàn như sau:

1. Hướng dẫn kỹ năng thoát nạn cho trẻ nhỏ khi xảy ra sự cố cháy, nổ, để đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân khi có cháy.

2. Khóa bình gas, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy bé nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm trẻ không được sờ vào.

11 biện pháp giúp trẻ em an toàn trong kỳ nghỉ hè- Ảnh 5.

Cho trẻ tham gia những lớp ngoại khóa để trang bị kiến thức

C.T

3. Việc quản lý chặt chẽ nguồn điện là một trong những yếu tố quan trọng để an toàn cho tất cả người dân. Cùng đó, không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, thiết bị điện, nguồn sinh nhiệt.

4. Mọi người nên hạn chế để ô tô, xe máy ngay trong nhà (khu vực sinh hoạt chung của gia đình) nhằm hạn chế nguy cơ xe tự cháy. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu, gas đun nấu... phải được kiểm tra độ kín thường xuyên. Các gia đình cần hướng dẫn trẻ nhỏ biết về nguy cơ và nghiêm cấm trẻ tiếp cận, tự ý sử dụng các chất dễ cháy, đề phòng cháy, nổ.

5. Kiểm soát các loại đồ chơi của trẻ, hạn chế thấp nhất các đồ chơi có kích thước nhỏ để phòng ngừa trẻ có thể nuốt, tự làm nghẹt đường thở hoặc tự chèn, nhét qua lỗ tai, miệng... Tuyệt đối không cho trẻ chơi các đồ chơi có chi tiết sắc, nhọn, vật liệu bằng thủy tinh dễ vỡ, các đồ chơi có chất lỏng lạ có thể gây thương tích, gây ngộ độc hoặc có hại cho mắt và hệ hô hấp....

6. Hướng dẫn cho trẻ lớn hơn biết cách sử dụng thiết bị tự ngắt điện an toàn, khi có sự cố điện giật người khác hoặc trẻ nhỏ hơn trong gia đình. Lưu ý hướng dẫn trẻ lớn hơn không được sờ vào người đang bị điện giật, mà cần phải ngắt thiết bị điện trước và kêu cứu để được trợ giúp.

7. Không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp đun nấu, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, bởi sự lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn. Hạn chế tối đa cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi có sử dụng điện lưới, các thiết bị phải cắm điện lưới khi sử dụng, nên treo cao các ổ cắm, phích cắm điện đề phòng trẻ tự ý sử dụng dẫn đến nguy cơ bị điện giật. Nếu có điều kiện, các gia đình nên lắp đặt camera để giám sát, nhắc nhở thường xuyên việc vui chơi của trẻ nhỏ tại nhà riêng khi không có người lớn ở nhà.

8. Hướng dẫn con cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc… Hướng dẫn con cách xử lý khi có người bấm chuông, gọi cửa. Tuyệt đối không được tự ý ra khỏi nhà khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.

9. Có biện pháp giới hạn không gian vui chơi, hoặc phải giáo dục trẻ nhỏ tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi đề phòng ngã từ trên cao. Hạn chế giao cho trẻ nhỏ thực hiện các nhiệm vụ vượt quá khả năng như phơi hoặc thu quần áo, lấy đồ dùng ở trên cao; lau cửa sổ hành lang, ngoài ban công trên cao, đun nấu hoặc rót nước nóng, dầu mỡ nóng....

10. Dạy trẻ kỹ năng tham gia giao thông, điều này không chỉ giúp cho trẻ học tập được nhiều kỹ năng và kiến thức bổ ích mà quan trọng hơn là giúp con được an toàn khi tham gia giao thông trên đường.

11. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống. Chỉ cho phép trẻ đi bơi ở những nơi được phép, có người, phương tiện cứu hộ và tuân thủ các quy định của bể bơi, bãi tắm. Khi trẻ đi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên, phải mặc áo phao khi bơi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.