11 người chết vì mưa lũ

08/09/2012 03:35 GMT+7

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều địa phương của Thanh Hóa bị ngập sâu trong nước lũ.

>> Mưa lũ hoành hành ở Thanh Hóa: Thiệt hại hơn 413 tỉ đồng
>> Hàng ngàn hộ dân bị mưa lũ cô lập
>> Mưa lũ ở miền núi phía bắc làm 6 người chết

Suốt đêm 6 và cả ngày 7.9, trên địa bàn Thanh Hóa trời vẫn tiếp tục trút những cơn mưa lớn, kéo dài, lượng mưa phổ biến từ 180-290 mm. Mưa lớn đã khiến các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống... hiện đang trong tình trạng phải chống chọi với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các huyện miền núi Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc đã xảy ra ngập lụt lớn khiến nhiều xã, thị trấn bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

 mưa lũ
Mưa lũ đã khiến xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) bị ngập sâu trong nước lũ - Ảnh: Ngọc Minh

 

Thiệt hại nặng

Báo cáo nhanh của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến tối qua 7.9, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh đã làm 11 người chết và 1 người mất tích. Trong đó, Thanh Hóa và Nghệ An mỗi tỉnh có 4 người chết,  Hà Tĩnh 2 người và Ninh Bình 1 người chết.

Mưa lũ cũng đã làm sập 62 ngôi nhà, 3.119 ngôi nhà khác của người dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình bị ngập.  19.188 ha hoa màu và cây ăn quả của nông dân các địa phương nêu trên bị nhấn chìm trong biển nước.

Quang Duẩn

Tại huyện Lang Chánh, mưa lớn và kéo dài nhiều ngày đã tạo nên một trận lụt lớn nhất từ trước tới nay, khiến toàn bộ các xã nằm dọc sông Cảy và sông Âm gồm Tân Phúc, Tam Văn, Quang Hiến, Trí Nang, Giao An, Giao Thiện và thị trấn Lang Chánh ngập sâu. Đặc biệt, đêm 6.9, tại thị trấn Lang Chánh đã xảy ra một trận lũ ống kinh hoàng khiến 26 ngôi nhà của người dân cùng tài sản bị cuốn trôi và đổ sập, hơn 50 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng.

Tình trạng mưa lũ cũng đã khiến nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã ở huyện Lang Chánh sạt lở gây ách tắc kéo dài. Nghiêm trọng hơn mưa lũ đã gây sạt lở đất, đè chết hai người là ông Vi Văn Hom (50 tuổi), ở xã Yên Khương và anh Lò Văn Cảnh (23 tuổi) ở xã Yên Thắng. Nhiều cột điện lưới quốc gia bị đổ gãy, khiến suốt từ ngày 6 đến chiều 7.9, cả huyện vẫn chưa có điện. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Lang Chánh, mưa lũ đã khiến gần 1.000 ha lúa, hoa màu bị mất trắng.

Lãnh đạo huyện Lang Chánh đang huy động lực lượng quân đội tại địa phương và lực lượng xung kích các xã đến giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Trước mắt, huyện hỗ trợ tạm thời cho những gia đình bị trôi mất nhà cửa, thiệt hại nặng 700.000 đồng/hộ.

Còn tại huyện Thường Xuân, tuyến đường từ thị trấn Thường Xuân lên các xã Yên Nhân, Bát Mọt bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị ách tắc. Vừa trở về từ vùng rốn lũ Lương Sơn, ông Cầm Bá Đứng, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết: “Đến trưa 7.9, nước bắt đầu rút, nhưng rất chậm. Vì vậy toàn bộ hơn 700 ha lúa màu của các xã Lương Sơn, Ngọc Phụng, Bát Mọt, Yên Nhân coi như mất trắng. Hiện các lực lượng đang tập trung khắc phục những điểm sạt lở để tạo điều kiện cho các lực lượng và cứu hộ đi lại giúp dân khắc phục hậu quả”.

Có mặt tại huyện Nông Cống - nơi được xem là vùng rốn lũ của Thanh Hóa giữa lúc những cơn mưa vẫn xối xả trút xuống, chúng tôi thấy những đồng lúa đang kỳ phơi màu, ngậm sữa thuộc các xã Vạn Thiện, Công Liêm, Thăng Thọ, Thăng Bình... đã bị ngập trắng trong nước lũ. Hàng trăm hộ dân của các xã này hiện cũng đang phải sống trong cảnh nước ngập tứ bề.

mưa lũ 
Hàng chục ngôi nhà ở thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) bị lũ cuốn trôi
 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: “Hiện nay toàn bộ 6 xã vùng 3 (vùng thường xuyên bị ngập úng) của huyện Nông Cống đã bị ngập hoàn toàn trong nước lũ. Do đặc điểm là vùng đồng chiêm trũng, nước rút rất chậm, nên chắc chắn thời gian ngập lụt sẽ kéo dài, khiến toàn bộ gần 1.500 ha lúa mùa của các xã này bị mất trắng hoàn toàn”.

 mưa lũ
Người dân thị trấn Lang Chánh đang dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau cơn lũ ống

Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều 7.9, tại Thanh Hóa mưa lũ đã khiến 5 người chết; gần 2.000 nhà dân bị ngập trong lũ, gần 50 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và bị sập; gần 15.000 ha diện tích lúa và các cây trồng như mía, ngô, hoa màu bị ngập; hơn 700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn; 22 hồ đập nhỏ bị vỡ... Ước tính thiệt hại lên tới trên 413 tỉ đồng.

Mưa dứt, lũ tiếp tục lên

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, tính đến hôm qua 7.9, lượng mưa đo được tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh phổ biến từ 150 - 400 mm, một số nơi cao hơn như: Cửa Đạt 457 mm, Đô Lương 514 mm... Mưa đã gây một đợt lũ lớn và rất lớn trên các sông suối, mực nước vượt báo động 1 đến xấp xỉ báo động 3, ngập lụt diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng.

Hôm nay 8.9 mưa dứt hẳn, trời nắng ráo nhưng lũ trên các sông vẫn còn diễn biến phức tạp. Dự báo, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân (Thanh Hóa), sông Cả tại Dừa (Nghệ An) có khả năng đạt đỉnh, tại Kim Tân ở mức 11,8 m (dưới báo động 3 là 0,2 m); tại Dừa ở mức 22,1 m (dưới báo động 2 khoảng 0,4 m). Mực nước hạ lưu sông Cả và sông La có khả năng đạt đỉnh; tại Nam Đàn ở mức 7,3 m (dưới báo động 3 là 0,6 m); tại Linh Cảm 4,1 m (dưới báo động 1 khoảng 0,4 m). Mực nước các sông ở Thanh Hóa xuống dần và còn trên mức báo động 1, riêng sông Bưởi tại Kim Tân còn trên mức báo động 2. Người dân và các cấp chính quyền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cần tiếp tục đề phòng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng.

Do mưa lớn kéo dài nên sáng 7.9, trên tuyến QL1A đoạn qua địa phận phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đến khu vực dốc Xây thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) chiều dài khoảng 5 km đã bị ngập sâu trong nước gây ách tắc giao thông. Tuyến QL1A, đoạn từ thị trấn Hà Trung đến thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cũng đã bị ngập sâu trong nước gây ách tắc tắc giao thông nghiêm trọng. 

Quang Duẩn - Ngọc Minh

Sạt lở đất đá ở Yên Bái, ít nhất 14 người chết

Theo ông Lê Trọng Khang, Phó chủ tịch H.Mù Cang Chải (Yên Bái), tính đến cuối giờ chiều qua 7.9, lực lượng cứu hộ đã tìm được tổng cộng 16 nạn nhân vụ sạt lở đất đá gần mỏ khai khoáng ở bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn. Trong số đó có 14 người đã chết, 2 nam giới đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Mù Cang Chải. Sự cố trên xảy ra khoảng 10 giờ 30 phút sáng 7.9. Do mưa lớn lâu ngày nên đã xảy ra sạt lở đất đá vùi lấp nhiều người tại khu vực gần mỏ khai khoáng của Công ty TNHH Thịnh Đạt đang khai thác và quản lý (xã La Pán Tẩn, H.Mù Cang Chải, Yên Bái).

Lãnh đạo H.Mù Cang Chải cho biết, tính đến tối qua, vẫn chưa có con số thống kê chính xác số người mất tích trong đống đất đá sạt lở. H.Mù Cang Chải đang tiếp tục huy động thêm lực lượng cứu hộ đến hiện trường ngoài hơn 100 người đang nỗ lực hết sức tìm kiếm các nạn nhân. Việc cứu hộ chủ yếu dùng phương pháp thủ công do địa hình hiểm trở, máy móc không vào kịp.

Được biết, khu vực này trước đây đã từng xảy ra sạt lở đất đá khiến nhiều người chết.

Quang Duẩn - Lê Quân

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.