Sau vụ việc học sinh lớp 1 ở trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón, dư luận biết thêm một sự thật nữa rằng đây không phải là trường quốc tế như tên gọi mà trường này "tự xưng" trong tất cả các văn bản, biển hiệu. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu trường "quốc tế" mạo danh như vậy?
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến tháng 8, trên địa bàn Hà Nội có 11 trường có tên kèm hai chữ “quốc tế” trong quyết định thành lập và giấy phép hoạt động. 11 trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở, gồm: Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia; Trường quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội; Trường phổ thông đa cấp Concordia Hanoi; Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Song ngữ quốc tế Horizon tại thành phố Hà Nội; Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế Singapore; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Ciputra; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Vạn Phúc; Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế St.Paul; Trường mầm non và phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội; Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.
Đây là các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài và đã đăng ký hoạt động với Sở GD-ĐT theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh).
Ngoài ra, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố còn có 25 trường dạy một phần chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp. Trong số đó, có nhiều trường không có danh xưng “quốc tế”, như: Trường trung học phổ thông Chu Văn An, Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam…
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: "Luật hiện hành đã nêu rõ tên gọi của các nhà trường cấu thành những yếu tố nào thì chúng ta phải thực hiện đúng quy định. Ngay những trường mạo danh trường quốc tế thì trong quyết định thành lập của chúng tôi cũng không hề có chữ “quốc tế”, nhưng tự các trường cứ đưa thêm vào để thu hút học sinh một cách sai trái. Chúng tôi yêu cầu phải bỏ những từ ngữ mạo danh như vậy", ông Quang nói.
Ông Quang cũng khẳng định, các trường giảng dạy theo chương trình quốc tế hay chương trình tích hợp cũng đều phải thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Các trường này phải tuân thủ những quy định về việc công khai công tác thu chi, nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy… như các trường công lập.
Theo ông Quang, việc này sẽ tăng tính minh bạch, tạo sự công bằng, cạnh tranh giữa các trường, đồng thời huy động được sự chung tay giám sát của người dân. Sở GD-ĐT sẽ tăng cường giám sát và công khai kịp thời danh sách các trường đã được cấp phép hoạt động để bảo đảm quyền lợi của người học.
Tuy nhiên, ông Quang cũng đề nghị rất cần phải luật hóa tất cả những vấn đề liên quan đến trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài, cả về tên gọi lẫn cách thức hoạt động. Bên cạnh đó, phải có chế tài đủ sức răn đe đối với những trường có hành vi vi phạm.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, sau vụ việc của trường Gateway và tuyên bố sẽ rà soát, xử lý các trường mạo danh quốc tế, bản thân trường này và một số trường tự xưng trường “quốc tế” đã lặng lẽ sửa tên gọi, bỏ hai chữ này trên website và biển hiệu của trường.
Bình luận (0)