Đây là thông tin Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết trong chiều nay 9.5.
Từ cuối tháng 4 đến nay đã có 14 trẻ em tử vong do đuối nước |
Ảnh MINH HỌa |
Theo Cục Trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm.
Trong 5 năm qua, tình hình trẻ em tử vong do tai nạn thương tích đều giảm. Tỷ lệ tử vong do tai nạn, thương tích tại Việt Nam tương đương các nước thu nhập trung bình và trong khu vực nhưng vẫn cao hơn gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Tử vong do thương tích chiếm tỷ lệ cao ở các nhóm trẻ em từ 1 - 14 tuổi.
Tuy nhiên, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau, mất mát của các gia đình có trẻ em tử vong, mà còn khiến toàn xã hội bức xúc, lo lắng.
Từ tháng 1 đến tháng 5.2022 có 113 trẻ tử vong do đuối nước. Trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước.
Trước thực trạng đuối nước gây tử vong cho trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em.
Bên cạnh đó, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Bộ LĐ-TB-XH cũng lưu ý các địa phương rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước…) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở…)
Chủ động bố trí ngân sách hằng năm của địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em và vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh và các nguồn nước mở an toàn để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đã xảy ra đuối nước trẻ em; hỗ trợ kinh phí phù hợp đối với việc học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Các tỉnh, thành phố kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương; báo cáo Bộ LĐ-TB-XH về tình hình, kết quả công tác phòng, chống đuối nước ở địa phương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)