Những nhà Duy Tân xứ Quảng: Trên quê hương ông cử Duyện

04/08/2020 06:27 GMT+7

Có người bạn rủ về nông thôn thư giãn và chúng tôi chọn đi về hướng quê hương của nhà thực hành Duy Tân Phan Thúc Duyện hồi đầu thế kỷ trước...

Xã Điện Thọ (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cách TP.Đà Nẵng chỉ 20 cây số đường chim bay về hướng nam. Thời bao cấp, Điện Thọ là một hợp tác xã nông nghiệp nổi tiếng do Nguyễn Phước Thiện làm chủ nhiệm, với nhiều cách tân trong sản xuất nên đời sống người dân khấm khá hơn nhiều nơi khác.
Từ một vùng trắng sau chiến tranh, ông Thiện và các đồng sự đã đưa Điện Thọ thành một vùng thâm canh lúa tiêu biểu. Nhờ vậy, mấy năm sau, ông được điều về huyện phụ trách phòng nông nghiệp và được bầu làm đại biểu Quốc hội, rồi được đề bạt làm giám đốc Trung tâm khuyến nông của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Và quả đất xoay tròn, khi ông nghỉ hưu về ở quê thì chúng tôi gặp lại nhau cũng chính trên cánh đồng lúa quê ông. “Bọn mình đi đâu cũng không khỏi những gốc lúa này, giống như số phận!”, tôi nói khi gặp lại ông Thiện.
Từ một trong những chủ nhiệm hợp tác xã xuất sắc, bây giờ nghỉ hưu Nguyễn Phước Thiện là giám đốc một công ty sản xuất giống nông nghiệp. Ngoài các hoạt động kinh doanh, ông khởi nghiệp với 20 ha ruộng trồng lúa theo phương pháp hữu cơ, cung cấp gạo sạch cho thị trường hơn một năm qua, lấy tên Gạo quê Phong Thử vừa được cấp chứng chỉ VietGAP và OCOP! Đang mùa gặt, tôi thả bộ quanh mấy thôn ở xã Điện Thọ và dừng lại ở làng Phong Thử, quê hương cụ cử Phan Thúc Duyện, một nhà thực hành Duy Tân khác ở vùng bắc Quảng Nam.

“Làng Duy tân”

Làng Phong Thử cũ có tên là làng Hoa Thử, là 1 trong 66 làng cổ đã được Dương Văn An ghi nhận từ giữa thế kỷ 16: “Gió Hoa Thử thơm tho bánh trái”. Vì trùng húy tên vợ vua Thiệu Trị, nên cũng như chợ Đông Hoa đổi thành Đông Ba (Huế), làng Hoa Viên đổi thành Văn Viên (Nghệ An)…, Hoa Thử cũng được gọi thành Phong Thử. Nhưng Phong Thử từ đầu thế kỷ 20 còn được gọi là “làng Duy Tân” với tên tuổi lừng lẫy của cụ Phan Thúc Duyện (hay Diện) cùng các bậc danh sĩ bấy giờ như Mai Dị, Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài ở Điện Bàn… Họ lập ra các hội buôn và trường học theo phái Duy Tân (Hợp thương Diên Phong và Nghĩa Thục Diên Phong), lại khai thông Bến Hục với sông Thu Bồn để tiếp nhận thuyền buôn các nơi về buôn bán. Thuyền buôn từ thượng nguồn đưa về tấp nập, nông thổ sản của vùng bắc Quảng Nam chở đi khắp nơi và đưa xuống Hội An xuất cảng cũng từ Bến Hục này.
Trường Diên Phong không chỉ dạy nam sinh và nữ sinh, dạy quốc ngữ, nhiều môn tân học và các môn vừa học vừa làm, mà còn mời thầy Tư Mười (Lâm Nhĩ) từ Trường An Phước ở Hòa Vang vào giảng cả văn minh dân tộc Chàm theo lời mời của cụ Trần Quý Cáp. Thầy Tư Mười sau bị bắt vì phong trào cúp tóc xin xâu năm 1908 (theo lời kể của Lâm Quang Thanh, cháu thầy Tư Mười).
Sau khi bị tù ở Côn Sơn suốt 10 năm vì phong trào cự thuế năm 1908, cụ Phan Thúc Duyện được đưa về an trí ở Lệ Thủy (Quảng Bình) thêm 10 năm kế tiếp, rồi về lại Phong Thử tiếp tục xây dựng chợ, trường hát và quy hoạch làng như một thị tứ hiện đại từ năm 1940. Cũng cần nhắc lại, trong 10 năm biệt cư ở Lệ Thủy, cụ Phan Thúc Duyện đã xây dựng và quy hoạch một “vùng đất Quảng Nam” trù phú với đủ các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, thương mại với hàng trăm công nhân, mà sau năm 1975 đã trở thành nông trường cao su Lệ Ninh có tiếng ở Quảng Bình.
Phong Thử trong phong trào Duy Tân là một thương cuộc bậc nhất Quảng Nam, một vùng đất trù phú nhờ sa bồi hằng năm của hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia.
Đồng đất tốt nên sản phẩm dưới truyền thống thâm canh và tay nghề của người dân đã tạo ra sự khác biệt cho đời sống kinh tế ở đây. Nếu vùng tây Quảng Nam có ông Xã Sáu (Lê Cơ) là nhà thực hành Duy Tân nổi tiếng, thì cụ cử Duyện cùng các đồng sự của ông đã cổ súy thực hành cải cách xã hội, “khai dân trí, chấn dân khí”, lập ra các thương hội, nông hội, tài thực hội (hội trồng cây)…
Sau hòa bình đến nay, hệ thống giao thông gồm đường sắt và đường bộ (cả đường cao tốc) đi qua Phong Thử như những ô bàn cờ, càng giúp cho vùng này phát triển. Các thế hệ người dân Phong Thử luôn đi đầu trong mọi việc làm ăn. Cả cái làng Đông Hòa giờ ngoài làm nông còn là “Làng nấu đám” phục vụ các tiệc tùng cưới hỏi trên khắp Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông chủ nhiệm hợp tác xã, cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Thiện giỏi làm lúa năm nào, giờ về hưu lại tiếp tục xuống ruộng làm lúa hữu cơ… “Cũng như cụ cử Duyện năm xưa, người dân Phong Thử bao đời nay luôn đi tìm cái mới để thay đổi cuộc sống. Có lẽ việc làm của chúng tôi cũng xuất phát từ đó!”, ông Nguyễn Phước Thiện nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.