Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ hãng an ninh mạng CipherTrace cho biết thiệt hại từ các vụ đánh cắp tiền mã hóa khỏi sàn giao dịch và hoạt động gian lận tăng vọt trong quý đầu năm nay, lên mức 1,2 tỉ USD và tương đương 70% tổng thiệt hại trong cả năm 2018.
Giá trị thiệt hại từ các vụ phạm tội trong mảng tiền mã hóa của năm 2018 đạt 1,7 tỉ USD. Tội phạm tiền mã hóa tăng mạnh khi thị trường đi chậm lại, giá cả lao dốc và hoạt động kinh doanh trì trệ. Quý 1/2019, hành vi lừa đảo và đánh cắp tiền mã hóa từ các sàn giao dịch làm thiệt hại đến 356 triệu USD. Số tiền bị lừa đảo hoặc chiếm dụng thì lên đến 851 triệu USD.
“Tội phạm tiền mã hóa trở nên tệ hơn vì quy định vẫn đang được thực thi một cách yếu ớt. Châu Âu chưa thực hiện quy định của mình và cộng đồng tội phạm mạng vẫn tiếp tục gia tăng. Tôi cũng cho rằng các vấn đề nội bộ như gian lận, trộm cắp phát triển chủ yếu do các hoạt động bên ngoài Mỹ, nơi quy định quản lý còn lỏng lẻo, hoặc đơn giản là xuất phát từ lòng tham và sự quản lý kém của các nhóm giám đốc trẻ của nhiều hãng tiền mã hóa đang quản lý hàng trăm triệu, có khi hàng tỉ USD”, giám đốc điều hành CipherTrace Dave Jevans cho biết.
Ông Jevans cũng là chủ tịch của tổ chức toàn cầu nhằm giải quyết tội phạm mạng Anti-Phishing Working Group. Báo cáo của CipherTrace còn cho biết môi trường quy định quản lý trong mảng tiền mã hóa hiện còn nhiều khác biệt nếu xét về thanh toán xuyên biên giới từ các sàn giao dịch Mỹ sang các sàn giao dịch bên ngoài Mỹ. Các sàn giao dịch bên ngoài Mỹ vốn nằm ngoài quyền kiểm soát của giới chức nền kinh tế số một thế giới.
Phân tích 164 triệu giao dịch bitcoin cho thấy các khoản thanh toán xuyên biên giới đến sàn giao dịch nước ngoài tăng 46% trong hai năm qua, đóng góp 11,5% vào 8.700 tỉ USD giá trị tài sản được giấu kín bên ngoài nước Mỹ.
Bình luận (0)