Sau giờ tan ca, vợ chồng chị Phan Thị Phấn và anh Tô Văn Sử (cùng 46 tuổi, quê Sóc Trăng) lội bộ về dãy trọ nằm trong hẻm sâu ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Vẫn là khung cảnh bên đường quen thuộc như 12 năm qua, mà sao những bước chân giờ đây thật nặng nề, bầu trời xám xịt chuyển mưa, hệt như tâm trạng của cả tuần qua…
Bữa cơm ít món, nhiều nỗi lo của gia đình công nhân Công ty Tỷ Hùng |
Đột ngột
Tuổi thơ của cả vợ chồng chị Phấn đều cơ cực vì phải bỏ học giữa chừng đi làm thuê, làm mướn. Ngày về chung một nhà, gia đình hai bên không có ruộng đất nên cả hai tiếp tục bán sức lao động. Làm chật vật không đủ lo cho hai con và cha mẹ già, anh chị đứt ruột gửi con cho ông bà lên Bình Dương tìm việc.
Vợ chồng chị Phấn cùng làm công nhân và cùng được thông báo chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng 10 |
vũ phượng |
Năm 2010, chị Phấn về TP.HCM xin làm công nhân ở Công ty Tỷ Hùng; anh Sử làm bốc vác, 2 năm sau xin vào làm công nhân cùng vợ. Để tiết kiệm tối đa chi phí, anh chị ở nhờ nhà người quen cách đó khá xa, hằng ngày dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ đến công ty, chỉ vừa kịp ăn gói xôi là đúng 7 giờ 30 phút vào làm. Tối đến lại lội bộ về.
Công nhân Công ty Tỷ Hùng rớt nước mắt khi gần 1.200 người bỗng mất việc |
4 năm trước, anh chị mới chuyển đến dãy trọ cách công ty chừng 1km để tiện đi lại. Hơn chục năm rời bỏ quê hương đi làm ăn xa, anh chị chưa một lần ăn tiệm, chưa một lần đi đây đi đó, sau giờ làm là về nhà, nấu cơm, ngủ nghỉ, sáng sớm dậy ăn cơm nguội rồi tiếp tục đi làm.
Tổng lương công nhân của hai vợ chồng vài năm trở lại đây được khoảng 15 triệu đồng, trừ tiền nhà trọ, anh chị tằn tiện chi tiêu, mỗi tháng còn dư đôi ba đồng gửi về quê nuôi con ăn học và chăm lo cha mẹ già hai bên.
Chị Phấn nức nở mỗi khi nghĩ đến chuỗi ngày sắp tới |
vũ phượng |
Anh Sử kể, ngày nhận tin mất việc, hai vợ chồng đờ đẫn như người mất hồn. Anh thở dài: “Tết tới sát rồi không biết sao nữa, mới đây, vợ chồng con gái lớn cũng mới gửi con ở nhà nội, lên ở trọ cùng vợ chồng tôi để đi làm công nhân; con gái út thì học lớp 10, ở với ngoại. Tôi bị thoái hóa cột sống, vợ đau nhức xương đòn, tiền thuốc men liên tục”.
Ở đây tôi hỏi mấy nơi ai cũng nói cận Tết rồi, không tuyển. Mà giờ về quê thì làm gì, đâu có đất đai gì đâu. Tưởng đâu xin được ở công ty này là ổn định cuộc sống rồi, không dư dả gì nhưng đủ ăn và lo được cho con đi học. Sắp tới không có tiền là nhà trọ cũng không có mà ở, chứ nói gì chuyện ăn uống
Chị Phan Thị Phấn
Trong căn nhà trọ chật chội, hai vợ chồng ngồi nhặt mớ rau cải mầm vừa mua 5.000 đồng cùng vài trái dưa leo chuẩn bị bữa tối. “Người ta một người mất việc đã khổ rồi, nhà tôi thì cả hai người mất việc, về ngủ không được, cứ nằm xuống là nghĩ phải làm công việc gì, Tết cận nơi. Nghĩ đến những ngày lội nước ngập đến đầu gối đi làm, giờ không biết phải làm sao, chưa bao giờ bế tắc như lúc này”, chị Phấn nấc nghẹn.
Về quê cũng không xong
Chuỗi ngày làm công nhân ở TP.HCM, anh chị không dám xin nghỉ ngày nào vì tham công tiếc việc, sợ bị kỷ luật. 4 năm trước, cha mẹ chồng mất, mùa dịch năm ngoái, cha chị Phấn cũng đột ngột qua đời.
4 năm gần đây, vợ chồng chị Phấn mới chuyển ra thuê trọ sau thời gian ở nhờ nhà người quen, nhưng ngày ngày vẫn đi bộ đi làm |
vũ phượng |
Chị xúc động nhớ lại: “Ngay trong mùa dịch, cha điện thoại nói về suốt nhưng tôi không nghỉ được. Đến khi test dương tính cả vợ chồng phải đi cách ly 2 tuần, về nhà tự cách ly xong 2 tuần nữa thì ở quê điện lên nói cha hấp hối. Hai vợ chồng ra bến xe về, cách nhà chừng 20 phút chạy xe nữa thì có chốt kiểm tra, cả hai bị đưa đi cách ly tiếp. Vậy là không kịp nhìn mặt cha lần cuối, day dứt lắm. Mình phận làm con bỏ con bỏ cháu cho ông bà chăm, đến khi cha mất cũng không về chăm được ngày nào”.
Cuộc trò chuyện của PV và chị Phấn bị ngưng lại nhiều lần vì chị không kiềm được nước mắt khi kể về cuộc đời quá nhiều khổ cực của hai vợ chồng. Anh Sử nói thêm, ở quê bây giờ kiếm nhà lá rất khó nhưng nhà vợ anh là căn nhà lá dựng cột, mỗi lần mưa là xách thau hứng nước khắp nơi. Nhà anh cũng là căn nhà tình thương được nhà nước xây khi cha mẹ còn sống. Hai bên đều không có đất đai, quanh năm làm thuê.
Từ ngày nhận tin đến nay, chị Phấn đi đâu, gặp ai cũng xin số điện thoại để mong ai đó tìm được việc làm có thể giới thiệu để vợ chồng chị đến xin việc theo. Nỗi lo lớn nhất của anh chị lúc này là cả hai đều đã 46 tuổi, không có xe máy, không biết tìm việc gì cho phù hợp.
Anh Sử bị thoái hóa cột sống, chị Phấn thì đau xương đòn,... hai vợ chồng mỗi tháng đều uống thuốc liên miên |
vũ phượng |
Chị Phấn bộc bạch: “Ở đây tôi hỏi mấy nơi ai cũng nói cận Tết rồi, không tuyển. Mà giờ về quê thì làm gì, đâu có đất đai gì đâu. Tưởng đâu xin được ở công ty này là ổn định cuộc sống rồi, không dư dả gì nhưng đủ ăn và lo được cho con đi học. Sắp tới không có tiền là nhà trọ cũng không có mà ở, chứ nói gì chuyện ăn uống”.
Về khoản hỗ trợ của công ty, anh Sử cho biết mỗi người sẽ được hỗ trợ 2 tháng lương cùng 1 tháng thưởng Tết, nhưng tiền xài rồi cũng hết, anh chị cần một công việc để trang trải.
Nỗi lòng ở “chợ chạy” ngày 1.200 công nhân Công ty Tỷ Hùng phải nghỉ việc |
Chỉ từng món đồ trong căn nhà trọ, chị Phấn cho hay, bàn, tủ đều là đồ cũ được những người xung quanh cho; duy chỉ có cái tủ lạnh khi vợ chồng con gái đầu lên ở cùng, đi gửi đồ ăn nhờ tủ lạnh hàng xóm miết thì phiền nên mới cố gắng mua.
Trời càng về khuya, đường vào dãy trọ im phăng phắc, tối đen. Trong phòng trọ chật chội, vợ chồng chị Phấn không ai nói chuyện với ai, thỉnh thoảng chỉ là những tiếng thở dài…
Bình luận (0)