14 năm chưa thể cổ phần hoá: Agribank đang kinh doanh như thế nào?

Anh Vũ
Anh Vũ
21/06/2021 11:44 GMT+7

Mạng lưới rộng nhất, tổng tài sản nhiều nhất, khách hàng cũng lớn nhất… song, 14 năm qua, không hiểu vì lẽ gì Agribank vẫn chưa thể cổ phần hoá. Sự chậm trễ này khiến không chỉ nhà băng mà cả nhà nước thiệt đơn thiệt kép.

Agribank nằm trong nhóm “Big 4” ngân hàng (NH) Việt Nam (Vietcombank, VietinBank, BIDV). Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 vừa công bố của NH này cho thấy, tổng tài sản của Agribank dẫn đầu hệ thống, đạt tới 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 56,5% so với năm 2016.

Agribank có 18 triệu khách hàng, tiền gửi dân cư chiếm 81% tổng lượng tiền gửi, 19% còn lại là của tổ chức. Xét về mạng lưới, ngân hàng đang duy trì 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch…

Ì ạch tăng vốn, cổ phần hoá 

Với quy mô như vậy, Agribank không chỉ là NH thương mại nhà nước đơn thuần đi kinh doanh bảo toàn vốn, thu lãi mà còn như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng nhà nước (NHNN) để vận hành chính sách tiền tệ, điều tiết thị trường lãi suất, tín dụng. Nhưng trong suốt một thời gian dài hoạt động, gần như nhà băng này không được tăng vốn điều lệ.
Mới đây, Vietinbank đã được Thủ tướng phê duyệt phương án tăng vốn gần 7.000 tỉ đồng. Vietcombank khả năng cũng sớm được chấp thuận tăng vốn thêm 10.000 tỉ đồng. Sau khi được tăng vốn, cả 3 NH trong nhóm “Big 4” đều có vốn điều lệ trên 40.000 tỉ đồng.
Mặc dù đầu năm nay, Agribank đã được cấp thêm 3.500 tỉ đồng, song vẫn chỉ đạt hơn 34.000 tỉ đồng. Do vốn điều lệ tăng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tín dụng và tổng tài sản, hệ số an toàn vốn của Agribank đang suy giảm dần.
Tỷ lệ vốn điều lệ trên tổng tài sản của Agribank hiện chỉ đạt hơn 2%, vào nhóm thấp nhất của hệ thống (các NH khác khoảng 10%). Nhờ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, Agribank vẫn đảm bảo hệ số CAR trên 9%. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo chuẩn Basel 2 của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, hệ số CAR của Agribank chỉ còn 7,7%, không đạt mức tối thiểu.
Không chỉ câu chuyện tăng vốn, trong khi các nhà băng khác đã cổ phần hoá (CPH) xong, chọn được đối tác chiến lược và phát triển mạnh mẽ thì Agribank vẫn chưa thể CPH sau 14 năm. Ông Phùng Văn Hưng Quang, Kế toán trưởng Agribank, cho biết năm 2007, Chính phủ từng có quyết định cho phép NH này tiến hành CPH. Tuy nhiên, năm 2008 và 2009 xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực, NHNN đề xuất Chính phủ dừng lại.
Năm 2017, Agribank tái khởi động kế hoạch CPH, một không khí phấn khởi lan toả khắp hệ thống. Thế nhưng, những vướng mắc về đất đai, cơ chế khiến kế hoạch này ngày càng trắc trở. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết Nghị định 140/2020/NĐ-CP đã “chốt” lộ trình trong năm 2021 này ngoài MobiFone, VNPT sẽ hoàn thành CPH Agribank. Nếu Agribank được CPH, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì?

Agribank có kết quả kinh doanh và chỉ số tài chính trong giai đoạn 2016 - 2020 khá tốt

Ảnh T.P

“Ngân hàng mất 1, ngân sách mất 10”

PGS - TS Ngô Trí Long cho biết, việc chậm CPH, tăng vốn khiến trong hơn 10 năm qua “Agribank mất 1 thì nhà nước mất 10”. Bởi CPH sẽ giúp Agribank có thể huy động đối tác chiến lược, tăng vốn, hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Agribank nộp ngân sách 15.868 tỉ đồng. Trong 5 năm, vốn điều lệ của Agribank chỉ tăng 5,4% nhưng tổng tài sản tăng 56,5%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế 2020 dù giảm nhẹ so với 2019 nhưng vẫn đạt 13.000 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2016.
Nguyên nhân lợi nhuận 2020 giảm so với 2019 do NHNN đã chỉ đạo Agribank và các ngân hàng giảm 40% lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng Covid-19. Năm 2020, NHNN ấn định lợi nhuận của Agribank phải thấp hơn lợi nhuận 2019 để hỗ trợ khách hàng; tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Về hiệu quả kinh doanh, PGS - TS Ngô Trí Long tiếp tục phân tích, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Agribank tăng hơn gấp đôi từ 7,05% năm 2016 lên 17,56% năm 2020; cùng thời điểm tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ROA tăng từ 0,36% lên 0,8% tương đối hiệu quả. Vốn chủ sở hữu được bảo toàn tăng từ 49.231 tỉ đồng vào cuối năm 2016 lên 71.417 tỉ đồng vào cuối năm 2020, nhưng quy mô vốn nhỏ hơn so với Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Xét về chi phí quản lý, Agribank lại đang kiểm soát thấp nhất so với 3 nhà băng còn lại. Dù có tới 69.000 tổ vay vốn trên cả nước (hội phụ nữ, nông dân ,cựu chiến binh) nhưng chi phí quản lý công vụ (chi đào tạo, công tác phí, chi phí hội nghị khách hàng…) khá thấp.
Năm 2020, chi phí quản lý công vụ của Agribank hơn 4.515 tỉ đồng, số lượng lao động 37.509 (bình quân chi 120 triệu/lao động); chi phí quản lý/2.226 chi nhánh, phòng giao dịch chỉ khoảng 2 tỉ đồng.
Đối với chỉ tiêu lãi dự thu, nhiều ý kiến cho rằng khoản mục này của Agribank đang quá lớn dẫn tới lợi nhuận ảo. Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2020, lãi phải thu từ cho vay của Agribank là 8.634 tỉ đồng, chiếm 8,35%/tổng thu lãi từ hoạt động cho vay của NH; năm 2019 là 8,81% (giảm 0,46%).
Còn nếu tính tỷ lệ lãi phải thu trên tổng cho vay với khách hàng, chỉ có 0,71% trong 2020 và năm 2019 là 0,76%. Các tỷ lệ này phù hợp theo chuẩn mực kế toán là những khoản vay chưa đến kỳ thu lãi và phụ thuộc vào lựa chọn của khách hàng trả lãi theo tháng, quý, 6 tháng hay 12 tháng; trả lãi trước, gốc sau hoặc lãi, gốc trả vào cuối kỳ…
Năm 2020 nợ xấu của Agibank chiếm 1,7%/tổng dư nợ, thấp hơn so với chỉ tiêu an toàn tối đa 3% của NHNN. Trong khi, tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ tiêu phản ánh khả năng trích lập dự phòng rủi ro và đảm bảo an toàn của Agribank tăng từ 101% năm 2019 lên 120% năm 2020.
TS Nguyễn Trí Hiếu, người từng lập NH tại Mỹ, đánh giá với các chỉ số tài chính, mạng lưới và quy mô như trên, nếu Agribank được tăng vốn, được cổ phần hoá sớm thì sẽ tạo nên những lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn.
“Nếu CPH, đối tác chiến lược nước ngoài họ rất thích các NH có tệp khách hàng cá nhân lớn, mạng lưới rộng khắp để xây dựng và phát triển hệ sinh thái tiêu dùng cá nhân như Agribank”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.