14 tuổi giành hơn 50 huy chương châu lục và thế giới

Thúy Hằng
Thúy Hằng
07/12/2020 10:13 GMT+7

Ở tuổi 14, Nguyễn Ngọc Khánh Linh đã có hơn 50 huy chương vàng, huy chương bạc toán học ở trong nước, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới , trong đó có những huy chương giành được từ năm 8 tuổi.

Nữ sinh đang học lớp 9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM này cũng là 1 trong những đại biểu tham dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam 2020. Em chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên nhiều điều về toán học, gia đình và những giấc mơ.

Người thầy đặc biệt

Linh, cô gái từng giành huy chương bạc (HCB) kỳ thi toán châu Á - Thái Bình Dương APMOPS 2018; HCB Olympic toán và khoa học IMSO 2018; huy chương vàng (HCV) Olympic toán titan TMO 2019… trông rất giản dị với mái tóc dài quá lưng và nụ cười hiền.
Linh cho biết thích toán từ nhỏ. Người đầu tiên phát hiện ra đam mê này của em và giúp em có được ngày hôm nay chính là bố - thầy giáo Nguyễn Ngọc Long, giảng viên Khoa Toán tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Đồng thời, người cùng em học, động viên em vượt qua khó khăn là anh trai Nguyễn Minh Trí, hiện là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người từng giành nhiều giải thưởng toán quốc tế.
“Năm em học lớp 2, tình cờ thấy thông báo về kỳ thi ViOlympic giải toán trên mạng internet, bố đăng ký cho 2 anh em đi thi. Khi thấy em giải toán nhanh và bộc lộ nhiều say mê với môn học này, bố dành nhiều thời gian để học cùng em. Bố đọc sách giáo khoa của em, soạn ra nhiều đề toán hay, thú vị. Khi giảng dạy cho các anh chị sinh viên, có dạng đề nào hay vừa sức của em, bố cũng mang ra xem em có thể làm được không. Hầu như tối nào hai cha con cũng ngồi học cùng nhau”, Linh chia sẻ.
Không chỉ giỏi toán, Linh còn học giỏi đều các môn khác, môn tiếng Anh luôn đạt trung bình trên 9,5; điểm văn trên 8,5. Nữ sinh có cách học đơn giản là mỗi khi rảnh thường nói chuyện, thảo luận các vấn đề với người bạn thân bằng tiếng Anh. Trừ một số buổi học toán, Linh không đi học thêm; em chơi cờ vua, nghe nhạc và đọc sách để giải trí. Trước đây, Linh hay đọc truyện trinh thám, còn bây giờ em tìm đến các tiểu thuyết của tác giả Nhật Bản. Mẹ là luật sư, bố là giảng viên, Linh thường xuyên nói chuyện với bố mẹ về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Điều này giúp gắn kết gia đình hơn và nâng cao hiểu biết xã hội, từ đó giúp em viết văn nghị luận xã hội tốt, sắc sảo hơn trong các phần thi tranh luận trên lớp.
“Đi học là phải vui, phải cảm thấy học là một quyền lợi của mình thì học sẽ tốt. Em thấy nhiều bạn đi học thêm quá nhiều, sức ép từ cha mẹ về các thứ hạng khiến các bạn kiệt sức, vào lớp thường ngủ gật”, Linh bày tỏ.

Muốn trở thành giảng viên toán

Lần nào thi đấu cũng có huy chương, kết quả thấp nhất là… HCB, Linh chia sẻ em hoàn toàn không bị áp lực về thành tích hay sức ép từ cha mẹ, thầy cô. Không bao giờ nghỉ các buổi chính khóa trên trường để ở nhà ôn tập toán, không phải lúc nào cũng ôm sách và nghiên cứu, Linh vừa học vừa chơi và luôn thấy niềm vui với toán. “Em luôn hoàn thành hết bài tập trên trường rồi mới dành thời gian cho ôn luyện toán để đi thi. Phần quà lớn nhất sau những huy chương là em được đi nhiều nơi trên thế giới, gặp nhiều bạn bè, thầy cô rất giỏi”, nữ sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nói.
Linh cho hay trong hơn 50 huy chương giành được trong các kỳ thi toán châu Á - Thái Bình Dương, em nhớ hơn cả 3 tấm HCB tại kỳ thi toán châu Á - Thái Bình Dương APMOPS 2018; Olympic toán và khoa học IMSO 2018 và Olympic toán học trẻ thế giới WMO 2018 tại Mỹ. “Vì chỉ đạt được HCB nên em càng hiểu các kỳ thi này khó như thế nào. Còn kỳ thi tại Mỹ, chỉ thiếu 2 điểm nữa em sẽ giành HCV”, Linh giải thích.
Linh mong muốn trở thành một giảng viên toán trong tương lai để đi tiếp con đường của bố. Ngay từ bây giờ, nữ sinh cũng đang là người hướng dẫn toán cho nhiều bạn bè cùng lớp. Điều em luôn mong muốn là từ hành trình mình đi sẽ thay đổi định kiến của nhiều người về con gái học toán và giúp thêm nhiều người trẻ tìm thấy niềm vui từ môn học này.
Anh Nguyễn Ngọc Long, bố của Linh, chia sẻ niềm vui lớn với một người cha là thấy đứa con 14 tuổi yêu toán, học toán nhẹ nhàng, không phải áp lực. Để khơi gợi tình yêu môn toán nơi con gái, ngay từ những ngày đầu, anh Long chỉ cho con cách làm sáng tạo, “chế biến” ra những bài toán lạ để con thấy vui, ví dụ như bài kim phút - kim giờ đuổi nhau thì thành bài con thỏ - con rùa đuổi nhau theo vòng tròn, bởi trẻ em sẽ thấy những con thú sẽ thú vị hơn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.