15 năm tới, dự báo Việt Nam có hơn 6 triệu người mắc bệnh đái tháo đường

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
24/07/2024 11:58 GMT+7

Theo các chuyên gia, sử dụng đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường.

Ngày 24.7, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là về chính sách thuế. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo tác hại của đồ uống có đường gây bệnh đái tháo đường.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, cho biết cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm, như: thừa cân, béo phì, đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…

Đáng chú ý, theo bà Phương, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% (năm 2010) lên 19,0% (năm 2020), đồng thời Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.

15 năm tới, dự báo Việt Nam có hơn 6 triệu người mắc bệnh đái tháo đường- Ảnh 1.

Chuyên gia cảnh báo tác hại của đồ uống có đường gây ra bệnh đái tháo đường

HOÀNG SƠN

Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người/năm vào năm 2002 lên mức 50,7 lít/người/năm (2018).

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, tại Việt Nam, mỗi năm ước tính số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc.

Đây chính là nguyên nhân tiềm tàng làm cho tuổi thọ của người dân Việt Nam tuy có tăng nhưng chất lượng sức khỏe biểu thị thông qua số năm sống khỏe mạnh lại giảm. Việc tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngày 8.6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết số về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025).

Trong bối cảnh này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và đại diện 12 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, TP trong cả nước cùng những đại biểu dự hội thảo để đóng góp ý kiến, đề xuất những chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường - một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.