Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% các ca bệnh đái tháo đường ở trẻ em

Liên Châu
Liên Châu
24/06/2024 18:01 GMT+7

Dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy, tại Việt Nam, có khoảng 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 và có xu hướng gia tăng trong cả nước các năm gần đây.

Chiều nay 24.6, tại Bộ Y tế diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) với Đại sứ quán Đan Mạch về phòng, chống bệnh đái tháo đường tuýp 1 cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết bệnh đái tháo đường là một mối đe dọa sức khỏe công cộng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% các ca bệnh đái tháo đường ở trẻ em- Ảnh 1.

Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và các đối tác, Bộ Y tế triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực chẩn đoán, kiểm soát đái tháo đường tuýp 1 cho các trẻ mắc bệnh

NGUYỄN NHIÊN

Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, đái tháo đường tuýp 1 hiện chiếm 90% các ca bệnh đái tháo đường ở trẻ em nhưng Việt Nam chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của bệnh này ở trẻ em. Dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 và có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây.

Cũng theo ông Khoa, trước thực tế đó, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn riêng về chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1, cập nhật từ quốc tế, tập trung vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh cho các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa trong hành nghề khám, chữa bệnh hàng ngày.

Hướng dẫn này đặc biệt có ý nghĩa trong việc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường tuýp 1, từ đó, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em và gia đình đang sống cùng bệnh đái tháo đường tuýp 1, giúp bệnh nhân có một cuộc sống mạnh khỏe lâu dài.

Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, các bệnh nhi đái tháo đường tuýp 1 duy trì sử dụng thuốc hoàn toàn phát triển khỏe mạnh về thể chất và sức khỏe sinh sản trong tương lai. Về lâu dài, các bệnh này được chăm sóc y tế, kê đơn thuốc ngay tại địa phương, thay vì phải lên tuyến T.Ư và số ít các bệnh viện đang có chuyên khoa này cho bệnh nhi.

Trước đó, trong năm 2023, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và các đối tác, 520 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 tại 15 bệnh viện đã được tặng bộ dụng cụ đo đường huyết cá nhân; 1.063 nhân viên y tế đã được tham gia các khóa đào tạo cơ bản về đái tháo đường tuýp 1

Trong năm 2024 - 2026, chương trình hợp tác hướng đến hỗ trợ hàng ngàn người dưới 25 tuổi đang chung sống với đái tháo đường tuýp 1 về theo dõi sức khỏe, dụng cụ theo dõi đường huyết tại nhà.

Hiện, các xét nghiệm, thuốc cơ bản điều trị đái tháo đường tuýp 1 cho trẻ nhỏ được bảo hiểm y tế chi trả 85 - 100% quyền lợi, tùy theo nhóm tuổi.

Ngay sau lễ ký kết, trong chiều nay, khóa đào tạo, tập huấn đã triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 do Bộ Y tế ban hành, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về khám và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên trong bối cảnh tỷ lệ mắc bệnh này ngày một tăng cao.

Thông qua tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sẽ được triển khai tới các tất cả các cơ sở khám chữa bệnh tại các tuyến để giúp cho công tác hành nghề của các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa, với mục tiêu cuối cùng là phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường tuýp 1.

Bệnh đái tháo đường tuýp 1 là sự phá hủy các tế bào β tuyến tụy, thường do quá trình tự miễn, dẫn đến mất khả năng sản xuất insulin nội sinh. Thiếu hụt insulin dẫn đến thiếu hoạt động của insulin trên các mô đích, gây nên rối loạn chuyển hóa đường, chất béo... Đây là loại đái tháo đường phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên nhưng Việt Nam chưa có dữ liệu đầy đủ. Việc chẩn đoán và điều trị hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.