Mới đây, câu chuyện hai nữ sinh có quan hệ tình cảm bỏ nhà đi một tuần, rồi sau đó rơi lầu tử vong ở Q.12, TP.HCM khiến nhiều bậc cha mẹ bàng hoàng. Phụ huynh của hai em cho biết, cả hai có ý định tự tử. Qua câu chuyện trên, nhiều câu hỏi được đặt ra cũng chính là những vấn đề thường gặp trong cuộc sống thường nhật. Nếu một ngày con cái công khai mình là LGBT thì cha mẹ nên phản ứng thế nào?
Đừng để đến khi quá muộn!
Ông Huỳnh Minh Thảo – Chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT tại Việt Nam cho biết, trong độ tuổi đi học, các em thường trải qua những cảm xúc đặc biệt với một người khác và dần có những mối quan hệ tình cảm đầu tiên. Đó có thể là mối quan hệ dị tính (nam - nữ) hoặc một mối quan hệ đồng tính (nữ - nữ hoặc nam - nam).
Theo ông Thảo, với nhiều gia đình, việc ở tuổi này mà "bày đặt yêu đương" thì đã là chuyện cấm kị rồi chứ đừng nói gì đến việc các em nhận ra rằng mình có cảm tình với một bạn cùng giới khác.
“Do đó, các em sẽ hay giấu diếm mối quan hệ này với phụ huynh hoặc chỉ chia sẻ nó như những người bạn cùng giới thân thiết. Hoặc kể cả khi các em chỉ nhận xu hướng tính dục của mình chứ không bắt đầu một mối quan hệ nào, thì việc cảm nhận mình là một người đồng tính cũng khiến các em rất lo lắng và hoang mang”, chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT chia sẻ.
|
Nhiều ca mà ông Thảo từng làm việc, thì hầu hết cha mẹ phát hiện ra (do đọc lén tin nhắn, máy tính...) hoặc cảm thấy khả nghi và vặn hỏi... Khi đó, các em thường bị "công khai" một cách bị động và không chuẩn bị để nói gì với ba mẹ nên thường là luôn gặp những kết cục xấu.
Vì thế, khi hỗ trợ giúp các em công khai, ông Thảo thường khuyên các em có sẵn những thông tin đúng trước, sau đó tìm kiếm nguồn đồng minh cho mình, một nơi hỗ trợ trong trường hợp xấu nhất và cuối cùng mới là chọn một thời điểm phù hợp để chia sẻ. Tuy nhiên, ông Thảo cũng cho rằng điều này là hoàn toàn quá sức với các em ở độ tuổi mới lớn.
Chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT Việt Nam đã đưa ra lời khuyên: Các bậc cha mẹ thay vì giận dữ, ngăn cấm, hãy tìm cách đồng hành với con mình; bằng cách hãy bình tĩnh, tìm đọc thêm những tài liệu đúng về LGBT (tại địa chỉ thuvien.lgbt) và sau đó hãy trò chuyện để hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của con. Việc con đang có cảm tình với một người khác giới hay cùng giới không nguy hiểm bằng việc chúng ta hắt hủi, đẩy con ra xa hơn và có thể phải dẫn đến những kết cục không mong muốn.
“Con trẻ có suy nghĩ rất khác chúng ta, việc đôi khi nghĩ quẩn, và dẫn đến những hành vi không tốt là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc của cha mẹ là tỉnh táo và giúp đỡ cho con có thêm thông tin đúng về bản thân mình. Ở độ tuổi này, các bạn trẻ sẽ tò mò, khám phá về xu hướng tính dục của bản thân mình, việc các bạn trải nghiệm một mối quan hệ và sau đó là những mối quan hệ khác cũng không phải là việc đáng lo ngại. Thậm chí, các cha mẹ có thể đồng hành cùng các em trong giai đoạn này nếu tạo được cho các em sự an toàn để chia sẻ, cũng là cách để hướng dẫn các em về những kiến thức về sức khỏe tình dục. Suy cho cùng, việc quan trọng là con em mình cảm thấy được yêu thương”, ông Thảo nêu ý kiến.
|
Có một thực tế đáng buồn được ông Thảo kể lại, nhiều trường hợp các em bị biệt giam, cách ly, cắt trợ cấp, dẫn đi chữa bệnh tâm thần, cúng bái, thậm chí thuê người cho các em nếm cảm giác quan hệ dị tính… khi các em thừa nhận có tình cảm với người cùng giới. Những việc làm đáng buồn này đã gây ra những chấn thương tâm lý nặng nề đến các em mãi về sau này, có những trường hợp đã ảnh hưởng đến thần kinh. Tôi hiểu, chính các phụ huynh, vì yêu thương con nhưng lại thiếu kiến thức về nuôi dạy con cái đã chọn những phương pháp được truyền miệng, xúi giục...
Ông Thảo dẫn chứng trong kết quả nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới (WHO), người ta chứng minh rằng xu hướng tính dục là một phát triển tự nhiên của con người, không thể can thiệp bằng ý chí, chi phối xã hội và chính vì vậy cũng không phải là một chọn lựa có tính ép buộc được.
Đồng hành cùng con
Bà Nguyễn Lang Mộng (Trưởng hội PFLAG Sài Gòn - Hội cha mẹ và người thân của cộng đồng LGBT) cho biết, đa phần phụ huynh đều sốc khi nghe con công khai xu hướng giới tính. Nhiều người gọi đến hội chia sẻ, trước tiên bà và những phụ huynh khác sẽ lắng nghe, đồng cảm, sau đó mới dần dần đưa kiến thức LGBT để phụ huynh hiểu đây không phải là bệnh.
Thực tế theo bà Mộng, nhiều người làm cha mẹ lại không thèm xem cũng không thèm hiểu những tài liệu về LGBT. Quá trình come out (công khai xu hướng tính dục) của các bạn trẻ cũng không thể “một phát ăn ngay” mà phải có quá trình dài, lên kế hoạch để cha mẹ không bị sốc. Nhiều bạn “công khai bị động”, tức là người khác phát hiện rồi nói với cha mẹ thì thường các bạn rất khó để giải thích, mọi chuyện phải tùy cơ ứng biến.
Bà Mộng nói: “Khi come out trong cộng đồng khó khăn nào các bạn cũng vượt qua được, còn khó khăn ngay trong gia đình khi chính người nhà không hiểu thì sẽ là áp lực với chính các bạn đó. Thời gian qua tôi nhận nhiều điện thoại của phụ huynh và của cả các em để tư vấn về cách trò chuyện cùng nhau. Thật sự, giữa cha mẹ và con cái đang thiếu sự chia sẻ hằng ngày trong cuộc sống”.
|
Là một người mẹ có con là đồng tính nam, come out năm 2011, bà Mộng cũng từng sốc, từng trải qua những cung bậc cảm xúc như những phụ huynh gọi điện thoại đến tư vấn đang trải qua. Bà thường dùng chính những cảm xúc, sự trải nghiệm của mình để chia sẻ, đồng cảm giúp những phụ huynh khác thay đổi quan điểm “LGBT là bệnh”.
Nguyễn Thiện Trí Phong (công tác tại Tổ chức ICS - tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) cho biết, thời gian qua, tổ chức đón nhận nhiều trường hợp các bạn LGBT đến tư vấn để được come out với gia đình, trong đó có nhiều bạn dẫn theo cha mẹ đến cùng.
Theo Phong, nhiều bạn học sinh cấp 2, cấp 3 đã nhận ra mình có tình cảm với người cùng giới, nhưng để thuyết phục cha mẹ thì cần phải đảm bảo rằng không ảnh hưởng đến việc học và quan trọng nhất là chọn thời điểm phù hợp để nói.
Qua tư vấn nhiều trường hợp tại ICS, Phong khuyên rằng khi nhận ra xu hướng giới tính của mình thì đầu tiên, các bạn trẻ nên lên mạng xã hội tìm hiểu kiến thức, cách nói chuyện với phụ huynh.
Nếu có người đồng minh là bạn bè, các tổ chức, giáo viên hay ai mà các bạn tin tưởng, anh chị họ hiểu tâm lý cha mẹ để cùng ngồi nghe bạn tâm sự với cha mẹ thi càng tốt.
“Ở vị trí phụ huynh, khi tiếp nhận thông tin con là LGBT có thể bị sốc, bất ngờ nhưng phụ huynh nên chậm một bước, bình tĩnh tìm hiểu thông, nói chuyện với giáo viên xem con ở trường thế nào. Ngày nay, chính khoảng cách giữa cha mẹ với các bạn dẫn tới chuyện cấm đoán làm các bạn tổn thương, từ đó suy nghĩ tiêu cực, có thể xảy ra những điều không hay. Nếu khoảng cách này được rút ngắn lại, cha mẹ đồng hành cùng con nhiều hơn thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”, Phong chia sẻ.
Bình luận (0)