2024 sẽ trở thành năm nóng nhất lịch sử

Trí Đỗ
Trí Đỗ
09/12/2024 11:37 GMT+7

Các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) cho biết năm 2024 sẽ là năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi chép dữ liệu, với mức nhiệt cao bất thường dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2025.

Theo Reuters ngày 9.12 dẫn dữ liệu nhiệt độ từ tháng 1 đến tháng 11 của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus EU (C3S), năm 2024 chắc chắn là năm nóng nhất được ghi nhận. Đây cũng là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 - 1900.

2024 sẽ trở thành năm nóng nhất lịch sử- Ảnh 1.

Người dân đi bộ trên một lòng sông khô cạn tại bang Para (Brazil) ngày 10.10.2024

ẢNH: REUTERS

Tháng 11.2024 cũng được ghi nhận là tháng nóng thứ 2 sau tháng 11.2023. Năm nóng nhất được ghi nhận trước đó là năm 2023.

Thông tin trên được công bố 2 tuần sau khi Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đạt được thỏa thuận trị giá 300 tỉ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Reuters, thỏa thuận trên bị chỉ trích là không đủ để trang trải chi phí tăng cao và thách thức khổng lồ do các thảm họa liên quan khí hậu gây ra.

Thời tiết khắc nghiệt hoành hành khắp thế giới vào năm 2024 như hạn hán nghiêm trọng tấn công Ý và Nam Mỹ; lũ lụt chết người ở Nepal, Sudan và châu Âu; nắng nóng gay gắt ở Mexico, Mali và Ả Rập Xê Út; bão lũ thảm khốc càn quét Mỹ và Philippines.

2024 sẽ trở thành năm nóng nhất lịch sử- Ảnh 2.

Người dân lội qua con đường ngập lụt sau trận mưa lớn do bão Gaemi gây ra tại thành phố Marikina (Philippines) ngày 24.7.2024

ẢNH: REUTERS

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng sự biến đổi khí hậu phức tạp ngày nay một phần là do con người gây ra. Khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Việc cắt giảm lượng khí thải xuống mức bằng 0 - điều mà nhiều chính phủ cam kết thực hiện sẽ ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, bất chấp những cam kết xanh này, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.

Kim chi Hàn Quốc bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu tại quê nhà

Nhà nghiên cứu khí hậu Copernicus Julien Nicolas chia sẻ với Reuters rằng: "Chúng ta vẫn đang ở gần mức nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục và tình trạng này có thể sẽ duy trì ít nhất trong vài tháng tới".

Bà Friederike Otto, giảng viên tại Đại học Hoàng gia London (Anh) đánh giá: "Mặc dù năm 2025 có thể mát hơn một chút so với năm 2024, nhưng nếu hiện tượng La Nina xảy ra, điều này không có nghĩa là nhiệt độ sẽ an toàn hoặc bình thường. Chúng ta vẫn sẽ phải trải qua nhiệt độ cao, gây ra các đợt nắng nóng nguy hiểm, hạn hán, cháy rừng và xoáy thuận nhiệt đới"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.