Là người đầu tiên đề xuất ý tưởng cho cuộc thi tù nhân viết tự truyện Sự hối hận và niềm tin hướng thiện của Tổng cục VIII, Bộ Công an và trực tiếp tham gia Ban giám khảo, nhà văn Đặng Vương Hưng nhận định: “Xét về mặt nghệ thuật bút pháp thể hiện, dù phải bắt buộc viết theo thể loại tự truyện và những yêu cầu bám sát nội dung, mục đích “đề bài” của cuộc thi, nhưng các phạm nhân tham dự đã biết sáng tạo và linh hoạt thể hiện, để người đọc không cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Tự truyện Tìm lại chính mình của phạm nhân Trương Quỳnh Hương (án 6 năm tù về tội “chứa chấp sử dụng trái phép ma túy tổng hợp” - Trại giam Hoàng Tiến) là một dẫn chứng sinh động.
Quỳnh Hương đã kể lại câu chuyện cuộc đời gia đình chị với nhiều “nghiệp oán” từ việc mở quán kinh doanh karaoke. Hương sinh ra trong một gia đình cán bộ trí thức ở Hà Nội, bố là tiến sĩ, mẹ là Phó bí thư Đảng ủy một quận nội thành. Tai họa ập xuống gia đình Hương khi bố chị mất khi đi tu nghiệp ở nước ngoài, sau đó mẹ mất vì bệnh ung thư phổi. Nhưng Hương đã cố gắng vượt lên hoàn cảnh để tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội và được phân về Đoàn văn công quân đội. Sau đó Hương lấy chồng (tốt nghiệp Đại học Tài chính) làm kế toán ở một công ty lớn, rồi sinh một bé gái.
Cuộc đời tốt đẹp của Hương dưới mái ấm gia đình nhà chồng đã bù đắp cho những thiệt thòi về tình cảm trước đây của chị. Với tham vọng làm giàu để cuộc sống vợ con sung sướng đầy đủ hơn, chồng của Hương mở quán karaoke “ôm” và nghiễm nhiên Hương trở thành bà chủ đứng quầy bar thu tiền. Khi vận làm ăn lên cao như diều gặp gió, vợ chồng Hương mở thêm một quán karaoke thứ hai và bất hạnh đã xảy ra bởi “tiền vào nhiều mà tình cũng thất thoát”. Chồng Hương cặp bồ với một cô nhân viên trẻ trung xinh đẹp đang được thuê quán xuyến điều hành ở quán karaoke thứ hai. Trước sự phản bội này, Hương đã đưa đơn ly hôn ra tòa và nhận quyền nuôi con. Hai quán karaoke cũng sang tên cho người khác. Nhưng người chồng không đi bước nữa mà vẫn thi thoảng qua lại chăm sóc mẹ con Hương. Thời gian sau, Hương gửi con cho chồng nuôi và vào Sài Gòn lập nghiệp.
|
Từ karaoke “ôm” đến “bay”
Trong hơn một năm làm việc tại một công ty chuyên ngành quảng cáo ở phía nam, Hương đã đi nhiều nơi để tổ chức hội thảo, sự kiện. Nghề nghiệp mới tuy khá vất vả nhưng thu nhập cũng ổn. Tuy vậy, cô vẫn rất nhớ con. Lúc này, Hương gặp một người họ hàng ở Đức về chơi, ngỏ ý muốn đưa cô sang bên đó để trông nom giúp cửa hàng họ vừa mở. Hương quyết định xuất ngoại và ra Hà Nội làm hộ chiếu. Gặp lại chồng giờ đang làm ở một chi cục thuế nhà nước và vẫn độc thân nuôi con. Sau khi nghe Hương nói về ý định sang Đức, chồng cũ của cô phản đối kịch liệt.
“Anh ấy bảo: “Em xa con hơn một năm là đủ lắm rồi đấy. Con lớn rồi, nó rất cần có em bên cạnh. Em không phải đi đâu cả, chỉ cần em tu chí thì ở Hà Nội không thiếu cửa làm ăn. Anh sẽ giúp em về vốn đầu tư ban đầu nếu em đồng ý”. Chồng tôi đã nói đúng cái điều tôi đau đáu trong lòng nhất. Quả thật là tôi không muốn xa con. Tôi không ham hố gì đi sang đất khách quê người, chẳng qua nghĩ đến khoản tiền tương đối lớn sau này có thể giúp tôi mua được nhà và có chút tiền phòng thân nên tôi phải đi thôi. Sau một hồi lưỡng lự, tôi hỏi anh: “Vậy anh định giúp em kiếm tiền bằng cách nào?”. Chồng tôi trả lời: “Anh sẽ mở lại cho em một quán karaoke”. Tôi giãy nảy: “Không, em đã thề rằng có chết đói cũng không kinh doanh gái gú nữa”. Anh ấy bảo: “Karaoke ôm lỗi thời rồi. Giờ có mở sẽ là karaoke hát chọn bài và nếu anh em, bạn bè thân thiết có nhu cầu “bay” một tí mình sẽ tạo điều kiện cho vui”. Bản thân tôi không phải dân chơi nhưng tôi cũng hiểu “bay” là cắn thuốc lắc. Tôi chưa thử bao giờ nhưng đọc báo thấy sàn nhảy New Century bị đập, tôi lo lắng hỏi: “Bay như thế liệu đi tù không anh?”. Chồng tôi bảo: “Phỉ phui cái mồm em đi, chưa gì đã nói xúi quẩy. Buôn bán thuốc lắc mới đi tù, còn mở quán cùng lắm là bị phạt hành chính một vài chục triệu thôi. Mà em yên tâm đi, chỗ nào thân quen tin tưởng mình mới cho vui, còn khách lạ chỉ cho hát thôi”. Nói thật là ngày ấy tôi mơ hồ về pháp luật lắm. Nói ra thì khó tin vì một người được ăn học như tôi sao lại có thể thiếu hiểu biết được. Vậy mà tôi ấu trĩ và nghèo nàn về kiến thức pháp luật. Bởi dù có được ăn học thì cũng toàn học những cái không liên quan đến pháp luật”, Hương tâm sự.
Sau đó, Hương mới thuê địa điểm để kinh doanh karaoke “bay” được 12 ngày thì bị “đập hộp”. Điều đau xót nhất, trong vụ án này, chồng của cô bị phạt 7 năm tù về tội “tổ chức việc sử dụng trái phép chất ma túy”, còn Hương bị phạt 6 năm tù về tội “chứa chấp sử dụng trái phép ma túy tổng hợp” trong khi đang có thai đứa con thứ hai với người chồng cũ. Vậy là bi kịch lớn giáng xuống cuộc sống gia đình Hương đều xuất phát từ việc kinh doanh karaoke “ôm” và karaoke “bay” khiến cả 2 vợ chồng cô đều lâm vào vòng lao lý. Sau khi được tại ngoại sinh con gái, hơn 1 năm sau Hương phải lên đường trả án. Từ Trại giam Hoàng Tiến khi viết tự truyện về cuộc đời mình, Hương vẫn đầy hy vọng: “Qua 10 năm chia tay nhưng tình cảm vợ chồng tôi vẫn còn đằm thắm lắm. Chúng tôi vẫn yêu thương nhau và cả hai đã đủ lớn để nhìn nhận được giá trị hạnh phúc gia đình quan trọng thế nào. Trong hoạn nạn, anh ấy đã dành cho tôi sự chân tình. Khi tôi gặp khó khăn anh ấy không hề bỏ mặc tôi và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Nếu có đặc xá thì vợ chồng tôi sẽ về cùng nhau, còn nếu may mắn không mỉm cười với vợ chồng tôi thì anh ấy về trước tôi vài tháng. Có thể sau lần xa cách này, cả hai chúng tôi đều thấy cần phải có nhau. Các con tôi cũng luôn mong ước điều ấy nên tôi sẽ suy nghĩ về sự hợp hôn này”.
Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
Bình luận (0)