6% các ca bệnh đột quỵ tử vong là người trẻ
Hội nghị Đột quỵ quốc tế 2024 với chủ đề Tiếp cận đa chuyên khoa và trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra trong 2 ngày 8 - 9.11, tại Hà Nội, do Hội Đột quỵ TP.Hà Nội phối hợp Trường ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức.
Tại phiên khai mạc chính thức hôm nay 9.11, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đột quỵ hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu. Mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, tức là trung bình cứ mỗi 3 giây trôi qua lại xuất hiện 1 ca mắc mới. Chúng ta cũng phải chứng kiến 6,5 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó hơn 6% xảy ra ở người trẻ.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ và con số đáng báo động này đang ngày càng gia tăng. Mỗi trường hợp đột quỵ không chỉ là một người bệnh cần điều trị mà còn là một mạng sống, một gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng.
GS Thuấn khẳng định, Bộ Y tế đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu, cập nhật và triển khai các chiến lược phòng ngừa, cấp cứu và điều trị đột quỵ một cách toàn diện. Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và độ phức tạp của các ca bệnh, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những bước tiến vượt bậc về cả công nghệ và mô hình tổ chức.
Thứ trưởng Thuấn lưu ý, đột quỵ là một căn bệnh phức tạp, đòi hỏi tiếp cận đa chuyên khoa, sự hợp tác của nhiều chuyên ngành từ y học thần kinh, cấp cứu, phục hồi chức năng cho đến tâm lý học, nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Đồng thời, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực đột quỵ giúp phân tích nhanh chóng và chính xác dữ liệu hình ảnh, dự đoán diễn biến bệnh, tối ưu hóa kế hoạch điều trị và thậm chí cá nhân hóa phương pháp phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân.
Cấp cứu ngoại viện tăng cơ hội cho người bị đột quỵ
Nhấn mạnh vai trò quan trọng then chốt của cấp cứu ngoại viện trong điều trị đột quỵ, GS Thuấn đánh giá "đây là bước đầu tiên và có thể được coi là quan trọng nhất trong quá trình xử trí người bệnh đột quỵ. Sự can thiệp nhanh chóng trong khoảng thời gian vàng sẽ quyết định phần lớn đến kết quả điều trị và khả năng hồi phục của người bệnh".
GS Thuấn đề nghị, các chuyên gia cần thảo luận thêm những chiến lược mới để Việt Nam có thể từng bước kiểm soát gánh nặng bệnh tật do đột quỵ. "Chúng ta cần một hệ thống cấp cứu ngoại viện hiện đại, được đào tạo chuyên sâu và tích hợp chặt chẽ với các bệnh viện, để đảm bảo rằng người bệnh đột quỵ sẽ nhận được hỗ trợ y tế ngay từ những phút đầu tiên", GS Thuấn nói.
Theo thông tin từ giới chuyên môn, "giờ vàng" là thời gian sau khi xảy ra đột quỵ 3 - 6 tiếng. Bệnh nhân đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) nếu đến bệnh viện kịp thời có cơ hội điều trị hiệu quả cao, ít để lại di chứng và chi phí điều trị thấp hơn. Tuy nhiên, số bệnh nhân bị đột quỵ đưa vào cấp cứu nằm trong "giờ vàng" còn thấp. Tại một số cơ sở đầu ngành, tỷ lệ này khoảng 5 - 7% (thời điểm 2019), hiện con số này đã được nâng lên nhưng vẫn cần được cải thiện tích cực hơn nữa.
Thời gian đến bệnh viện muộn ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị, cơ hội bình phục, tăng nguy cơ bị di chứng gây tàn phế cho người đột quỵ. Khi hệ thống cấp cứu ngoại viện được phát triển sẽ giúp người đột quỵ được xử trí ban đầu sớm và rút ngắn thời gian được đến cơ sở điều trị.
Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai là một trong 4 cơ sở y tế đứng đầu thế giới về số lượng chứng nhận Kim Cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới qua chương trình Angels với 14 chứng nhận. Chương trình Angels với mục đích giúp người bệnh được xử trí kịp thời và chuẩn mực nhờ việc tăng số lượng bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ với chất lượng được tối ưu hóa.
Bình luận (0)