Đột quỵ là do một phần não bị tổn thương đột ngột, khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Đột quỵ hiện được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, sau tim mạch và ung thư. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân (BN) bị đột quỵ thường tái phát, và lần sau sẽ nặng hơn lần trước.
Theo các bác sĩ (BS) chuyên khoa đột quỵ, những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ chính là biến chứng của các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu cao, béo phì… Đặc biệt, nguy cơ cao hơn xảy ra ở những người thường xuyên căng thẳng thần kinh, thường xuyên mất ngủ, làm việc quá sức, có lối sống không lành mạnh như sử dụng thuốc lá, rượu bia, ít vận động…
Ảnh chụp mạch máu của một bệnh nhân 47 tuổi bị tắc mạch máu não (ảnh 1) và được tái thông mạch máu bằng can thiệp lấy huyết khối (ảnh 2)
ẢNH: AN QUÂN
Sự nguy hiểm của việc không tuân thủ phác đồ
Để trả lời cho câu hỏi thường gặp ở trên, BS Dương Quang Hải, Phó trưởng khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đà Nẵng, khẳng định: Không có loại thuốc nào đáp ứng việc chống đột quỵ, mỗi cơ địa khác nhau có những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác nhau.
Cụ thể, BS dẫn trường hợp tại BV Đà Nẵng vừa tiếp nhận một BN nữ 70 tuổi (ngụ TP.Đà Nẵng) bị một cơn đột quỵ tái phát. Dù được các BS can thiệp cứu sống nhưng não BN tổn thương quá nặng khiến BN bị liệt, không thể tự chủ trong cuộc sống. Trước đó không lâu, BN đã có một cơn đột quỵ cấp và được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được xác định là do bệnh lý tim mạch mà BN đang mang. Tuy nhiên, sau đó, thay vì tuân thủ phác đồ điều trị để kiểm soát tim mạch và dùng thuốc chống đông, BN tự ý bỏ thuốc và dùng một loại thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Cơn đột quỵ lần 2 đã xuất hiện khi một mạch máu lớn bị tắc.
Bác sĩ ơi: Đột quỵ chảy máu do vỡ túi phình mạch não - Quả bom không hẹn giờ
Tương tự, một BN nam 55 tuổi (ở Quảng Nam) có tiền sử tăng huyết áp và tiểu đường, thay vì tuân thủ điều trị để kiểm soát nguy cơ thì tự ý bỏ thuốc và dùng thực phẩm chức năng, dù đã trải qua 3 lần đột quỵ nhẹ và được cấp cứu kịp thời. Các bệnh lý nền vì vậy đã không được kiểm soát, gây biến chứng khiến BN bị tắc mạch máu não dẫn đến đột quỵ lần thứ 4 và không thể qua khỏi.
BS Dương Quang Hải cho biết nhiều người vẫn có thói quen dựa vào thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp giảm nguy cơ đột quỵ, tuy nhiên cũng chính điều này đã dẫn đến tâm lý chủ quan không kiểm soát những bệnh lý nền gây nguy cơ cao mà họ đang có. Việc bỏ qua kiểm soát bệnh lý vô tình khiến tình trạng mạch máu của họ xấu đi và gia tăng đột quỵ so với những người kiểm soát tốt bệnh lý của mình.
Kiểm soát nguy cơ
Theo các BS chuyên khoa đột quỵ, để phòng ngừa đột quỵ, BN cần phải được đánh giá, tầm soát tất cả các nguy cơ, các bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền. Đó là tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch (rối loạn nhịp tim, bệnh lý về van tim, tim bẩm sinh), xơ vữa mạch máu, hẹp mạch máu đoạn lên não do thói quen hút thuốc lá… Đây đều là những nguyên nhân gây tắc, vỡ mạch máu dẫn đến đột quỵ.
Theo thống kê tại VN, 1/3 dân số trên 18 tuổi đã có bệnh lý tăng huyết áp và 1/2 trong số đó không biết mình bị tăng huyết áp; 1/2 còn lại biết mình có bệnh tăng huyết áp lại không tuân thủ điều trị, kiểm soát để đạt huyết áp mục tiêu đích, dẫn đến huyết áp tăng đột ngột gây áp lực lớn lên mạch máu khiến vỡ mạch máu… Ngoài ra, VN có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, gần 30% dân số mắc các bệnh tim mạch, đây đều là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý mạch máu gây đột quỵ.
"Việc tầm soát nguy cơ và điều trị ngọn nguồn của bệnh sẽ giảm được số người bị đột quỵ, vì cơ địa và bệnh lý mỗi người mỗi khác. Để chủ động phòng tránh đột quỵ, mọi người cần kiểm soát cao huyết áp, thực hiện lối sống lành mạnh như không dùng chất kích thích, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống khoa học, kiểm tra sức khỏe định kỳ…", BS Dương Quang Hải chia sẻ thêm.
Bình luận (0)