Có dịp về tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi được người quen giới thiệu đến thăm xóm chuyên làm công việc bầu cải ở khóm Đông Bình B, P.Đông Thuận, TX.Bình Minh, cách chân cầu Cần Thơ khoảng 5 km. Khu vực này nằm ven sông Chà Và, thuận tiện di chuyển bằng xe máy, còn ô tô khó tiếp cận vì đường nhỏ.
Đến đây, chúng tôi gửi xe ở nhà người dân rồi đi bộ khám phá. Ấn tượng đầu tiên là khung cảnh bình yên, nhịp sống chậm rãi, ngập tràn màu xanh của cây con. Nhà nào cũng có một mảnh vườn nhỏ trước sân, ươm đủ loại cà, ớt, chanh dây, đu đủ, cải bẹ xanh...
Bà Nguyễn Thị Ba, người dân ngụ tại phường Đông Thuận, TX.Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), năm nay đã hơn 70 tuổi, gắn bó với công việc này hàng chục năm qua.
Bà Ba nói nghề bầu cải nhẹ nhàng nhưng không lúc nào ngơi tay, khi thì trộn tro, làm bầu ươm bằng lá chuối, gieo hạt, tưới nước, nhổ cỏ... tất bật từ sáng sớm đến chiều tối. Từ rằm tháng 10 âm lịch, người dân trong xóm bận rộn hơn vì ươm thêm hoa kiểng như vạn thọ, cúc... bán cho các nhà vườn trồng Tết Nguyên đán.
Theo người dân, cây con ươm trong bầu từ nửa tháng đến 20 ngày thì có thể bán ra thị trường. Người mua theo thiên hoặc lẻ từng cây. Với các loại cà, ớt, cải bán giá khoảng 150.000 - 300.000 đồng/thiên (mỗi thiên là 1.000 cây). Còn những cây đu đủ, chanh dây, so đũa... bán giá chừng 3.000 đồng/cây.
Buổi chiều là thời điểm xóm làm nghề bầu cải rộn ràng nhất, khách hàng chạy xe máy đến mua cây giống để sáng hôm sau mang đi bán khắp nơi.
"Nhà tôi trồng đủ loại ớt: hiểm xanh, sừng vàng, chỉ thiên... bán cho khách hàng. Tôi mua ớt tươi rồi phơi héo, chà nhẹ, dùng dao rạch vỏ lấy hạt ươm cây giống. Việc thì dễ nhưng mùi ớt hăng, cay chịu không nổi, phải mang bao tay. Cứ 1 thiên ớt tôi bán được 300.000 đồng, còn nếu ươm giống từ hạt đóng gói thì giá khá cao, từ 700.000 - 800.000 đồng/thiên", bà Nguyễn Thị Ba chia sẻ.
Nếu cây giống bị ế hoặc quá lứa, người dân sẽ mang ra vườn trồng lấy rau ăn chứ không bỏ đi. Hỏi thăm mới biết, nhà nào trong xóm làm nghề bầu cải cũng có rau, bí, ớt... phục vụ bữa cơm hàng ngày, đỡ phải đi chợ mua.
Mỗi hạt giống được chăm chút để có cây mập mạp, chất lượng bán cho nhà vườn
HUỲNH NHI
Lê Quốc Khanh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói mình quê ở miền Tây, từ nhỏ đã quen với hình ảnh cây giống được bầu trong lá chuối, chở bán trên các ghe, xuồng. Nhưng đến nay, chàng trai mới biết đến nghề bầu cải, ngạc nhiên hơn vì có một xóm với mấy chục hộ làm công việc này.
"Khi đến xóm làm nghề bầu cải, mình cảm nhận nhịp sống ở đây khá chậm rãi, từng người cặm cụi với hạt mướp, bầu, bí... bé xíu, nâng niu tỉ mỉ để cho ra một cây giống tốt. Dọc hai bên đường đi ngập tràn màu xanh tươi của cây con, nhìn rất mát mắt và dễ chịu", Khanh nói và cho biết khi đến xóm này trời đã gần trưa nên thời tiết khá oi nóng. Bạn có thể đến sớm hơn trước 9 giờ hoặc chiều sau 16 giờ.
Khu vực này người dân không thu vé tham quan, cũng không có rào chắn. Tuy nhiên, bạn cần xin phép trước khi muốn thăm vườn vì các lối đi rất nhỏ, nếu không cẩn thận sẽ dễ dẫm đạp cây con.
Bình luận (0)