3 kịch bản tăng trưởng GDP 3 tháng cuối năm

Mai Hà
Mai Hà
30/09/2023 09:53 GMT+7

Tăng trưởng GDP quý 3 ước đạt 5,33% và 9 tháng ước đạt 4,24%. Bộ KH-ĐT đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng GDP cho quý 4 cũng như cả năm 2023.

Sáng 30.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 với 63 địa phương.

3 kịch bản tăng trưởng GDP cho 3 tháng cuối năm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9 sáng 30.9

NHẬT BẮC

Báo cáo tại phiên họp, Bộ KH-ĐT cho biết đã cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP quý 4 và cả năm 2023, với 3 kịch bản, trong đó cao nhất là 6%. 

Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý 4 cần tăng 7% (quý 4/2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý 4 cần tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%.

Tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, còn phụ thuộc sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề tết Nguyên đán 2024.

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,9%, giảm 1,5% so với dự báo đưa ra hồi tháng 3. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 4,7% trong năm 2023.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,8% (tháng 4) về mức 4,7% trong năm 2023. HSBC đánh giá triển vọng đầu tư nước ngoài và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, đạt mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024.

3 kịch bản tăng trưởng GDP cho 3 tháng cuối năm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

NHẬT BẮC

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến các khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước. Trong đó, tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sức ép lạm phát còn cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng…

Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, làm rõ thêm những điểm mới của tình hình như điều hành lãi suất của các nước, giá dầu, lương thực… Từ đó, có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu… 

Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực để nâng cao tính chủ động, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra đột phá, đạt kết quả theo yêu cầu và mong muốn.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu báo cáo tình hình chuẩn bị và đề xuất về việc phục vụ Hội nghị T.Ư 8 và kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.