3 năm Hà Nội cấp cho sở GD-ĐT hơn 40 tỉ để nâng chất lượng đội ngũ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
31/03/2023 15:30 GMT+7

Trong 3 năm: 2018, 2019 và 2020, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt kinh phí cấp cho sở GD-ĐT mỗi năm 14 tỉ đồng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên địa bàn TP.Hà Nội của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội thông tin: trong 3 năm 2018, 2019 và 2020, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt kinh phí cấp cho sở GD-ĐT theo Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

3 năm Hà Nội cấp cho sở GD-ĐT hơn 40 tỉ để nâng chất lượng đội ngũ - Ảnh 1.

Hà Nội nêu một loạt giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

THÚY QUỲNH

Theo đó, mỗi năm sở GD-ĐT được cấp 14 tỉ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho 1.280 cán bộ quản lý và giáo viên. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào nâng cao nghiệp vụ quản lý, kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Ngoài ra, UBND thành phố còn phê duyệt kinh phí cấp cho sở GD-ĐT để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Liên quan đến chi phí đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh quy định về chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30.3.2018 của Bộ Tài chính để phù hợp với tình hình thực tế đối với các cơ sở GD-ĐT.

Hàng loạt kiến nghị gỡ khó về đội ngũ 

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu hàng loạt khó khăn về vấn đề đội ngũ mà Hà Nội đang gặp phải khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ví dụ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện dạy học tích hợp, nhưng phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện dạy học các môn học theo yêu cầu tích hợp đang là một vấn đề khó khăn trong việc thực thi chương trình, chưa có giáo viên đủ năng lực thực sự để đảm nhận. 

Hiện còn một số trường tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỷ lệ giáo viên/lớp đảm bảo để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường thiếu giáo viên các môn chuyên biệt. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy; khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại còn hạn chế ở một số cán bộ quản lý, giáo viên.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho rằng: để thực hiện chương trình mới cần giải quyết căn cơ vấn đề tình trạng đội ngũ giáo viên sẽ thừa, thiếu cục bộ; một số giáo viên đơn môn sẽ thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật sẽ thiếu trầm trọng. Việc đưa môn nghệ thuật vào chương trình cấp THPT... cũng đòi hỏi bổ sung giáo viên. Đó là những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện chương trình. 

Chương trình mới có nội dung giáo dục địa phương (1 tiết/tuần); hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (3 tiết/tuần) đối với lớp 6, lớp 7 và lớp 10 nhưng biên chế phân bổ chưa tính tới đội ngũ giáo viên dạy những môn này, phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm.

Thông tư nêu trên quy định ngân sách chỉ chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; riêng đối tượng viên chức phải chi trả bằng nguồn thu sự nghiệp đơn vị.

 Nếu căn cứ theo quy định này thì các trường công lập khó cân đối kinh phí để cử tất cả cán bộ quản lý và giáo viên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo yêu cầu của ngành giáo dục.

Do vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cũng nêu nhiều kiến nghị với Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Cụ thể, đề nghị Bộ GD-ĐT căn cứ nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp học, chỉ đạo các trường sư phạm xây dựng chương trình, giáo trình bồi dưỡng, đào tạo liên thông, nhất là giáo viên dạy môn tích hợp, trải nghiệm…; có lộ trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn tích hợp.

Sớm ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGĐDT ngày 12.7.2017 quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với yêu cầu luật Giáo dục mới và chương trình giáo dục phổ thông mới.

 Trong đó, một số vị trí giáo viên khó tuyển, thậm chí không tuyển được hoặc tuyển nhưng không đảm bảo chất lượng (các môn mỹ thuật, nhạc họa, thể dục...) cho phép các cơ sở giáo dục ký hợp đồng thỉnh giảng (vừa chất lượng, vừa đáp ứng yêu cầu và đảm bảo thu nhập cho giáo viên).

Bổ sung một số vị trí việc làm: tâm lý học đường, nhân viên y tế, nhân viên kế toán ở các cơ sở giáo dục... do yêu cầu thực tiễn trong thời gian vừa qua.

Bộ GD-ĐT cũng cần có hướng dẫn cụ thể về chuyên ngành đào tạo khi tuyển dụng giáo viên về môn học: khoa học tự nhiên, công nghệ, tiếng Anh, tin học, tránh tình trạng tuyển dụng vẫn bố trí kinh phí và thời gian cho giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo quy định; đặc biệt quan tâm đảm bảo đủ số lượng giáo viên giảng dạy môn tích hợp đối với cấp THCS, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh, tin học đối với cấp tiểu học.

Chỉ đạo các trường đại học sư phạm, các viện nghiên cứu mở các mã ngành đào tạo; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảm bảo đạt chuẩn về trình độ và chuyên môn các môn: khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD-ĐT cũng cần phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ để ban hành các chính sách liên quan đến đãi ngộ nhà giáo, đảm bảo ổn định kinh tế để yên tâm công tác, nhất là đội ngũ giáo viên công tác tại địa bàn khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.