3 ngày tết thì không được quét nhà, người tuổi đẹp xông nhà mới may mắn?

10/02/2021 09:11 GMT+7

Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người Việt. Nhiều người trẻ được nghe về những phong tục về 3 ngày tết, như không được quét nhà, phải lựa người tuổi đẹp xông nhà. Điều này có căn cứ không?

Nguyễn Yến Thi, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể khi về quê ăn tết ở Hà Nam, thấy sàn nhà nhiều vỏ hạt hướng dương quá nên mang chổi ra quét thì bà ngoại nhắc ngay “không được quét nhà”, 3 ngày tết mà quét nhà thì mất hết lộc, tài lộc bay hết đi”. Trước đó cô cũng nghe có người nói cầm chổi quét nhà 3 ngày tết thì nhà sẽ bị con mối xông.
Hay như trước khoảnh khắc giao thừa, rất nhiều người đã hỏi nhau trong bà con dòng họ, người thân có ai hợp tuổi, tuổi đẹp thì nhờ tới xông nhà. Những ai mà nghe nói tuổi kỵ, tuổi xấu thì bị nhắc ngay “nhớ đừng có tới chơi nhà ngày mùng 1 nghe không”. Những phong tục ngày tết này có cơ sở không? Người nghiên cứu về văn hóa nói gì?
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, giảng viên, Trưởng bộ môn Văn hóa ứng dụng, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ nhiều phong tục của người Việt được lan truyền từ đời xa xưa tới đời nay, có những tục lệ vẫn được duy trì, nhưng có những tục lệ không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến

Ảnh NVCC

Theo tiến sĩ Tiến, cơ duyên của tục lệ “không quét nhà trong 3 ngày tết” có thể lý giải như trước đây nhà nhà làm nông nghiệp, những ngày giáp tết là bận bịu hơn cả, mọi người thay phiên nhau làm công việc đồng áng. Hôm nay làm cho nhà này, ngày mai mọi người lại cùng nhau sang nhà kia làm trả công, rồi còn trăm công ngàn việc cho chuẩn bị mâm cơm tết như làm heo, làm cá… Do đó, ông bà thấy con gái trong nhà quá vất vả, muốn 3 ngày tết cho con cháu được nghỉ ngơi nên đặt ra tục như “3 ngày tết không được quét nhà”, rồi cũng dặn thêm “nếu quét thì tiền lộc bay đi”, vì con gái tay hòm chìa khóa, giữ tiền trong nhà.
Hay trước đây, mọi người thường kiêng là tháng giêng không đào hố, không động thổ, chặt cây… vì lo đào hố đầu năm thì trong năm gặp xui xẻo, chuyện không lành. Nên đàn ông con trai ở nhiều vùng quê ngày trước ăn chơi hết tháng giêng.
“Phong tục, cũng như tục được gió truyền đi, phát tán khắp nơi. Có những phong tục tới nay không còn phù hợp nữa. 3 ngày tết không quét, lau nhà mất vệ sinh, ảnh hưởng thẩm mỹ, sức khỏe con người. Tháng giêng nếu không làm việc, chỉ nghĩ ăn chơi thì làm sao tạo ra của cải, làm cho chất lượng cuộc sống tốt hơn được”? tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến nói.

Tuổi nào xông nhà thì tốt?

Theo giảng viên, Trưởng bộ môn Văn hóa ứng dụng Trường ĐH Sài Gòn, thời nay nên bỏ đi phong tục chọn lựa người tuổi hợp, tuổi đẹp, tên đẹp đi xông đất đầu năm mới. Người ta có tấm lòng quý trọng nhau, yêu mến nhau mới ghé thăm nhà nhau vào sáng mùng 1 tết, nên đừng câu nệ phải tuổi đẹp, tên đẹp. Điều này không có cơ sở.

Nhiều người không câu nệ ai tới xông nhà, nhưng cũng có người chọn lựa tuổi sinh, giờ sinh, cả tên của người ghé xông đất

Ảnh minh họa Bảo Vy

Tiến sĩ Tiến cũng cho hay, người Việt rất coi trọng những ngày tết. Khoảnh khắc từ giao thừa tới hết 3 ngày tết, mọi người trong nhà luôn nhắc nhau không cãi vã, không tranh luận, chỉ nói những lời tốt đẹp. Nhưng không phải chỉ 3 ngày tết thì mới làm những điều tốt đẹp cho nhau, nếu coi 365 ngày trong một năm là tết, để cùng sống chan hòa, vị tha, yêu thương con người, đó không phải là điều nên làm hay sao?

Bẻ lộc, đốt vàng mã, mua chim phóng sinh: Xin đừng!

Nhiều người Việt thường có quan niệm, đêm 30 tết sau khi đi chùa về thì về nhà xông đất cho chính ngôi nhà mình, không quên bẻ theo một cành cây nhiều lá với mong ước tài lộc đầy nhà. Nhưng theo các chuyên gia văn hóa, điều này không giúp bạn có may mắn trong năm mới mà ngược lại còn làm hại môi trường, tiêu diệt màu xanh cây cối.
Hay nhiều người, trong ngày năm mới đi chùa cầu an, cầu tài lộc cho mình và gia đình thì đốt nhiều vàng mã, mua chim mua cá ở cổng chùa để thả sát sinh… Những việc làm đó nên dừng lại. Đốt vàng mã cũng là đang đốt tiền thật, đốt đi công sức lao động, và đốt gỗ rừng, gây lãng phí tài nguyên. Chim, cá bị thả ra rồi lại bị người bán làm đủ cách để bắt lại bán, hoặc thả ra nhưng nó không sống được do thay đổi môi trường, vậy thì là hại chết chúng, đâu phải đang tạo phúc?

Tết Việt là khoảng thời gian đáng nhớ với bất kỳ ai, có thể giáo dục trẻ em nhiều điều về giá trị truyền thống

Ảnh Bảo Vy

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cho hay, có những nét đẹp trong văn hóa tết của người Việt mà người trẻ nên tiếp nối, gìn giữ, như tục lệ hỏi thăm ông bà, cha mẹ, người thầy đã giúp đỡ ta… ở trong những ngày tết, đoàn viên gặp mặt họ hàng. Hay lì xì mừng tuổi ông bà, không quan trọng là vật chất trong bao lì xì ấy là bao nhiêu tiền, mà là tình yêu thương của cháu con dành cho người đã sinh thành, dưỡng dục…

Xin hãy trân quý bữa cơm chiều 30 tết

"Dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình" đó là câu hát về tết Việt in đậm trong tiềm thức của mỗi người. Nhưng năm nay là một năm đặc biệt, dịch Covid-19 chia cắt tết đoàn tụ của nhiều gia đình. Nhiều người không thể về quê ăn tết, thăm cha mẹ, họ hàng. Nhiều người làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch cũng dốc sức với nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Nếu người trẻ, hôm nay còn được đoàn viên với người thân trong gia đình của mình, đó thật sự là một ngày đáng nhớ, và niềm may mắn hơn rất nhiều người khác.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ mỗi người trẻ hãy trân quý bữa cơm chiều 30 tết hay khoảnh khắc được đoàn viên trong chính mái nhà mình tối giao thừa. Những giây phút mọi người đoàn tụ với nhau hôm nay, cùng ăn bữa cơm, hỏi thăm nhau sau một năm dài vất vả, động viên nhau vượt qua những khó khăn phía trước… đó là những niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất, không phải kiếm tìm ở đâu xa nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.