Thông tin từ Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 3, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng mạnh trở lại so với tháng 2.
Cụ thể, trong tháng 3 các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được 314.860 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 142,09 triệu USD, tăng 45,1% về lượng và tăng 47,6% về trị giá so với tháng 2; tăng 14,7% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thống kê lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 944.930 tấn, trị giá 430,44 triệu USD, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá xuất khẩu, trong tháng 3.2024, giá bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 451,3 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 2/2024 và tăng 18,2% so với tháng 3.2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 455,5 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân tích cơ cấu thị trường từ Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,24% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước, đạt 299.260 tấn, trị giá 133,56 triệu USD, tăng 50,7% về lượng và tăng 55,1% về trị giá so với tháng 2.
Nếu so sánh với tháng 3.2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33,2% về lượng và tăng 59,6% về trị giá.
Trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 890.550 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tổng trị giá trên 400 triệu USD, tăng 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia đang là 4 thị trường cung cấp phần lớn sắn lát cho nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc.
Đáng lưu ý, trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với khối lượng 267.930 tấn, trị giá 137,94 triệu USD, tăng 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Nhật Bản và Hàn Quốc 3 tháng đầu năm nay giảm sâu. Cụ thể, thị trường Hàn Quốc giảm hơn 96%, thị trường Nhật Bản giảm 77% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ NN-PTNT, sắn là 1trong 3 cây trồng chủ lực thuộc nhóm nông sản xuất khẩu tỉ USD của ngành nông nghiệp, tạo việc làm trên 1,2 triệu lao động. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên 2,95 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, thu về 1,3 tỉ USD.
Hàng năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam. Trong đó, hơn 65% sản lượng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đang thực hiện theo hình thức tiểu ngạch, giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.
Bộ Công thương nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp ngành sắn cần có lộ trình chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, đầu tư sâu vào công nghệ chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng này.
Bình luận (0)